Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 669 - Chương 669: Nhanh Như Chớp

Chương 669: Nhanh như chớp Chương 669: Nhanh như chớp

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 669: Nhanh như chớp

Vừa nghe Lâm Thanh Hoà thông báo, tâm tình chị ba Chu đã bay tít lên ngọn tre.

Tốt, tốt lắm! Tuy Khương Hằng không phải người Bắc Kinh nhưng Thượng Hải cũng là một trong những thành phố lớn mạnh nhất cả nước. Vả lại Khương gia còn có quan hệ mật thiết với chú thím tư nó nữa, chắc chắn gả về đấy người ta sẽ không dám ức hiếp Ngũ Ni nhà mình đâu. Ngoài ra, Khương Hằng đang làm quản lý cho hệ thống lá trà của chú tư, nghề nghiệp như vậy cũng xem như vững vàng, không sợ bấp bênh ăn bữa nay lo bữa mai.

Lâm Thanh Hoà cẩn thận nói thêm: “Tuy nhiên điều kiện kinh tế gia đình Khương Hằng hơi khó khắn. Lần này cưới vợ toàn bộ là tiền tiết kiệm của cậu ấy nên chắc có lẽ sính lễ sẽ không được đầy đủ tứ đại kiện đâu chị ạ.”

Chị ba Chu thoải mái nói luôn: “Ôi dào, anh chị không để ý mấy cái đó đâu. Miễn sao hai đứa nhỏ yêu thương nhau, sống hạnh phúc vui vẻ là mừng rồi. Còn lễ nghĩa chỉ cần tượng trưng là được, không nhất thiết phải câu nệ quá.”

Hai chị em hàn huyên thêm một lúc nữa rồi cúp máy. Kế đến chị ba Chu càng ráo riết tích trữ vòng vàng trang sức đặng chuẩn bị cho con gái ít của hồi môn đem về nhà chồng.

Thời gian gần đây, có tí của ăn của để nên chị ba Chu đã bắt đầu chú ý sưu tập những món lấp lánh bắt mắt này. Giờ cái rương của chị cũng có kha khá nào dây chuyền, nhẫn, bông tai này nọ. Nhưng chỉ khi nào có công có việc hay đi đâu dự tiệc chị mới diện một tí thôi chứ ngày thường đeo lên vướng víu lắm.

Chọn lựa một hồi, cuối cùng chị ba Chu quyết định lấy ra chiếc vòng cổ tương đối nặng tay cùng đôi nhẫn vàng làm quà cưới cho cô cả nhà mình.

Xong phần lễ vật, chị ba Chu gọi chồng vào bàn tính tiếp: “Anh anh, vợ chồng mình cho Ngũ Ni bao tiền thì được nhỉ?”

Trong số bốn chị em dâu, trừ bỏ Lâm Thanh Hoà thì người có tư tưởng tiến bộ nhất về bình đẳng giới phải kể đến chị ba Chu.

Chả là năm đó sau khi sinh Chu Ngũ Ni xong, chị ba Chu bị tổn hại sức khoẻ nghiêm trọng, mãi cho tới tận khi Lâm Thanh Hoà xuyên đến mới lại có thể cấn bầu sinh thêm được thằng cu cho đủ nếp đủ tẻ.

Nhưng dù vậy, chị ba tuyệt đối không có tư tưởng trọng nam khinh nữ hoặc bạc đãi Chu Ngũ Ni. Ngược lại, chị rất thương cô con gái đầu lòng này.

Mong mỏi mãi nó mới chịu kết hôn, cho nên chị tính chuẩn bị tươm tất chút, ngoài vàng bạc thì phải có cả tiền mặt để con nó được nở mày nở mặt với bên phía nhà chồng chứ.

Cùng chung suy nghĩ với vợ, anh ba Chu tất nhiên rất thương cô con gái lớn ngoan ngoãn hiểu chuyện, đồng thời cũng lấy làm hãnh diện vì nó giỏi giang, luôn cố gắng phấn đấu vươn lên. Vì vậy, vừa nghe vợ hỏi là anh đưa ra ý kiến ngay: “Cho con một ngàn được không?”

Do dự một hồi lâu, chị ba Chu lắc đầu: “Một ngàn hình như hơi ít thì phải? Sau khi cưới xong, chúng nó chưa mua được nhà ngay, mà phải ở nhờ nhà chú thím tư. Đất cát nhà cửa bây giờ đắt đỏ lắm, chắc phải tốn bộn đấy!”

Ngay ở cái huyện thành nhỏ xíu này thôi mà bất động sản đã sốt sình sịch cả lên, huống hồ những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, để có được mảnh đất cắm dùi chắc chắn không phải chuyện đơn giản, nhất là đối với những người trẻ mới chân ướt chân ráo vào đời tạo dựng cuộc sống mới.

Uhm…anh ba Chu ngẫm nghĩ kỹ càng rồi đề đạt: “Hay dặn Ngũ Ni khi nào tìm được chỗ thích hợp thì gọi về đây thông báo. Tới lúc ấy thiếu đủ thế nào vợ chồng mình sẽ cho vay thêm. Còn trước mắt thì cứ như vậy đã.”

Chị ba Chu vẫn nhăn mặt lắc đầu: “Nhưng em thấy một ngàn ít quá.”

Cuối cùng anh ba Chu đành phải đưa ra quyết định: “Thế thì cho con nó hai ngàn đi!”

Dù sao lúc này cũng đang là mùa hè, rau củ ê hề, tha hồ mà bán buôn, cùng lắm thì anh chịu vất vả chạy thêm tầm một tháng là kiếm được từng ấy chứ gì. Thôi, cả đời con bé mới lấy chồng một lần, cha mẹ cố gắng một chút cũng không thành vấn đề, miễn sao con gái được ấm no hạnh phúc là anh mừng rồi.

Tất nhiên, thời buổi này người ta vẫn còn nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ, cho nên có thể bỏ ra nhiều như thế để tiễn con gái về nhà chồng chắc chỉ có anh chị ba nhà này mà thôi.

Kế tiếp, mọi chuyện diễn tiến rất thuận lợi.

Sau ba ngày ngồi tàu, Khương Canh và Chu Ngũ Ni về tới quê. Hai chị em tới trung tâm thương mại lớn nhất huyện thành chọn mua máy giặt, tủ lạnh cho cha mẹ. Đây cũng xem như là lễ hỏi của đàng trai. Và đương nhiên, anh chị ba không chấp nhất, rất vui vẻ nhận lấy.

Sau đó, Chu Ngũ Ni nhanh chóng giải quyết thủ tục thuyên chuyển công tác rồi chuẩn bị đưa cha mẹ lên tàu sang Thượng Hải.

Trong khi ấy, anh ba cũng gọi điện về thôn báo tin mừng đến anh chị cả và anh chị hai.

Hay tin, ai cũng mừng cho Ngũ Ni, các bác đều gửi ít lì xì chúc đôi trẻ trăm năm hạnh phúc. Không những vậy, nhà anh cả đặc biệt cắt cử Chu Dương cùng tới Thượng Hải chung vui với gia đình chú ba. Còn Chu Hạ, mặc dù rất tiếc nhưng nó đành phải cáo lỗi với Ngũ Ni vì vừa rồi mới tiếp nhận một đơn hàng lớn, không thể sắp xếp tham dự đám cưới được.

Trên Bắc Kinh, Chu Thanh Bách cũng đang hỏi ý kiến vợ về vấn đề này: “Nhà mình mừng bao nhiêu em nhỉ?”

Lâm Thanh Hoà nói ngay: “Mình bỏ bao 500 đồng đi anh.”

Kỳ thực cho tới bây giờ cô vẫn không dám tin chúng nó lại tiến triển nhanh tới vậy. Vốn dĩ cô định khuyên Ngũ Ni thong thả tìm hiểu kỹ thêm nhưng suy đi tính lại thì thôi. Bởi yêu xa dễ xảy ra lắm vấn đề, còn mà để nó một thân một mình chuyển đến nơi đất khách quê người quả thực không an toàn chút nào, thậm chí còn kéo tới nhiều lời dị nghị không hay. Thôi thì cưới sớm cũng tốt, dù gì hai đứa nó là tâm đầu ý hợp, tự nguyện đến với nhau chứ không ai ép uổng. Vả lại các cụ mình ngày xưa cũng vậy mà vẫn con đàn cháu đống, hoà thuận trăm năm đấy thôi. Ôi, vợ chồng là duyên nợ, nhanh hay chậm nào nói lên điều gì, cốt yếu hai người phải biết thương yêu nhường nhịn nhau, dung hoà cái tôi vì cái ta chung, có vậy mới mong hạnh phúc bền lâu, “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa muôn đời không khê.”

Đám cưới Chu Ngũ Ni, Lâm Thanh Hoà làm trưởng đoàn dắt theo Chu Quy Lai, Chu Nhị Ni và Chu Tam Ni sang Thượng Hải.

Chu Thanh Bách ở lại quán xuyến nhà cửa và công việc kinh doanh. Còn Chu Tứ Ni thì bụng bầu vượt mặt, sắp vỡ chum tới nơi rồi, có mếu máo méo miệng cũng không ai dám cho bả đi, lỡ mà vui quá đẻ ngay ở đám cưới người ta thì có mà đỡ không kịp. Dù tiếc hùi hụi nhưng phải chịu vậy thôi, Tứ Ni đành chuẩn bị một bao lì xì đỏ chót, ngoài ra nó còn chạy tới tiệm quần áo của mẹ chồng cẩn thận lựa lấy hai bộ thật đẹp gửi qua cho cô em họ Ngũ Ni.

Ở Thượng Hải, hôn lễ của Chu Ngũ Ni và Khương Hằng diễn ra trong bầu không khí vô cùng long trọng và náo nhiệt. Tại đây, bên phía nhà chồng cũng được phen ngỡ ngàng vì xui gia hoành tráng quá, người nào người nấy đều đạo mạo đĩnh đạc, nhìn qua là biết thuộc diện không phú thì quý rồi. Thế là bất tri bất giác, không ai trong Khương gia dám nảy lên suy nghĩ ức hiếp hay bắt nạt nàng dâu mới.

Một ngày sau khi hôn lễ kết thúc, anh chị ba theo chân Lâm Thanh Hoà về Bắc Kinh thăm cha mẹ. Chứ từ hồi cha mẹ chuyển lên thủ đô tới giờ, vì đường xá xa xôi cách trở nên anh chị không có điều kiện gặp mặt trực tiếp, chỉ có thể gọi điện thoại hỏi thăm mà thôi.

Lúc anh ba Chu nhìn thấy cha mẹ già, có lẽ vì xúc động quá nên đã quỳ sụp xuống, đôi mắt đỏ hoe chất chứa biết bao lo lắng cùng nhớ thương.

Nhưng anh chị chẳng thể ở chơi lâu vì dưới quê còn đăng đăng đê đê biết bao công chuyện với lại quán xá đóng cửa im ỉm mãi cũng không tốt, ngộ nhỡ khách khứa bỏ đi ủng hộ chỗ khác thì mất hết doanh thu.

Thế là hai ngày sau, anh chị ba lên tàu rời khỏi Bắc Kinh.

Đợi tụi nó về hết, bà Chu mới kéo Chu Nhị Ni lại hỏi nhỏ: “Này, chú thím ba cho Ngũ Ni những gì mang theo xuất giá? Cháu có biết không?”

Đợt này cháu gái cưới chồng, ông bà già cả rồi không đi được nhưng cũng gửi mừng 50 đồng.

Chu Nhị Ni lắc đầu nói: “Cháu không biết bà ạ, cái này riêng tư nên cháu không hỏi.”

Kỳ thật Chu Nhị Ni biết rất rõ là đằng khác, của hồi môn của Chu Ngũ Ni gồm một sợi dây chuyền vàng, một cặp nhẫn vàng và hai ngàn tiền mặt. Nhưng đây là chuyện riêng của nhà chú thím ba nên nó cố tính không nói ra. Vì Nhị Ni hiểu bà nội thương con thương cháu là thật nhưng về vấn đề tiền bạc vẫn còn khá nặng nề.

Bà Chu chép miệng nói thầm: “Xưa nay vợ chồng thằng ba thương Ngũ Ni lắm, chắc chắn chúng nó sẽ chuẩn bị không ít. Nhưng bà thấy con gái không cần cho nhiều. Dầu gì người trẻ vẫn phải tự lực cánh sinh, tự thân phấn đấu mới tốt.”

Chu Nhị Ni chỉ cười trừ cho qua chuyện rồi tìm thời gian thích hợp đem việc này tâm sự với thím tư.

Nghe xong, Lâm Thanh Hoà cười cười: “Bà nội nói không sai nhưng con cái đứt ruột đẻ ra làm gì có cha mẹ nào không thương. Hoàn cảnh khó khăn thì phải chịu chứ có điều kiện thì sao nỡ giương mắt nhìn các con vất vả mưu sinh.”

Về phương diện này, Chu Nhị Ni đồng tình cực kỳ. Lát sau, nó cười nói tiếp: “Mà cháu không ngờ Ngũ Ni quyết đoán vậy đấy. Đùng một cái nói cưới là cưới luôn.”

Lâm Thanh Hoà gật đầu lia lịa tỏ ý mình cũng rất bất ngờ, hai đứa nó nhanh như chớp ấy. Đúng là cái duyên cái số nó vồ lấy nhau, gặp đúng người đúng thời điểm là khớp lệnh luôn, không cần bàn nhiều!

Mà ngẫm lại thì thấy tội nghiệp cho Mỹ Gia và thằng cả quá. Rõ ràng thanh mai trúc mã, xứng đôi vừa lứa mà bị cái hoàn cảnh không cho phép thành ra đính hôn biết bao năm mãi tới tận giờ vẫn chưa chính thức về chung một nhà. Đến cả Khương Hằng và Ngũ Ni cũng đã vượt mặt rồi, haiza không biết khi nào mới tới lượt hai đứa nó đây, đừng để thằng hai và thằng ba vượt luôn nha, thế thì xấu hổ lắm đấy!

Mấy hôm sau, nhân lúc rảnh rỗi Lâm Thanh Hoà liền gọi cho Tiết Mỹ Lệ hỏi thăm xem tình hình bên đó thế nào.

Tiết Mỹ Lệ phấn khởi thông báo vợ chồng Khương Hằng ăn chung với ông bà Khương luôn, chứ có hai đứa giở ra nấu nướng cũng lích kích, chi bằng cứ đóng tiền rồi tới bữa qua ăn chung cho vui. Tính ra một đứa là cháu trai họ, một đứa là cháu gái Lâm Thanh Hoà, thân càng thêm thân, ông bà Khương mừng quá đi ấy chứ.

Vừa cúp máy Tiết Mỹ Lệ thì điện thoại lại reng lên liên hồi. Hoá ra Chu Khải gọi về, thế là tiện thể Lâm Thanh Hoà thông báo hỷ sự của Ngũ Ni luôn.

Chu Khải kinh ngạc rớt tròng mắt: “Gì? Sao nhanh vậy mẹ? Con chẳng nghe nói gì cả?”

Lâm Thanh Hoà bật cười: “Hai đứa nó từ lúc gặp mặt cho tới khi kết hôn chỉ vỏn vẹn một tháng thôi à, con không nghe là đúng rồi.”

Tới đây, cô liền hỏi sang chuyện chính: “Thế rốt cuộc chừng nào con với Mỹ Gia mới về?”

Chu Khải áng chừng một chút rồi đáp: “Chắc phải cuối năm mẹ ạ.”

Lâm Thanh Hoà khe khẽ thở dài, thế này lại kéo tới tận cuối năm à, ở nhà đã chuẩn bị đâu ra đấy rồi chỉ còn thiếu mỗi cô dâu chú rể nữa thôi, hy vọng từ giờ đến cuối năm mọi chuyện thuận lợi để đôi trẻ tới được với nhau.

Bình Luận (0)
Comment