Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 671: Viên Viên
Hiển nhiên Mật Mật đang ôm mộng được làm chị gái.
Bình thường hai chị em song sinh nhà Chu Nhị Ni và bé Mập con trai Chu Tam Ni đều lễ phép gọi một tiếng cô nhỏ nhưng đứa nào đứa nấy đều to cao hơn Mật Mật. Vì thế, ngay lần đầu tiên nhìn thấy bé Viên Viên nhà chị Tứ Ni, Mật Mật đã có mơ ước được trở thành chị tư trong nhà. Ôi, nghĩ tới cảnh có một đứa nhóc thấp hơn mình, cả ngày lũn cũn chạy theo kêu “chị tư ơi, chị tư ơi…” chắc là vui lắm nhỉ!
Tiếc rằng, giấc mơ chưa thành hình đã bị mẹ Thanh Hoà lạnh lùng dập tắt.
Lâm Thanh Hoà ghét bỏ nhăn mặt. Trời ơi, trẻ con phiền muốn chết, hết bú mớm rồi tới tuổi tập bò tập đi, bất kể ngày hay đêm thích khóc là khóc, thích ăn là ăn, không có quy luật trật tự gì cả. Một đứa đã đủ kinh nghiệm xương máu rồi, tốt nhất là đừng ai đứng trước mặt cô nói từ “đẻ” nữa, cô xử đẹp đấy!
Chu Quy Lai nhăn nhở kéo Mật Mật ngồi xuống ghế sô pha, mở kênh truyền hình yêu thích dỗ dành cô bé.
Lâm Thanh Hoà lập tức phóng ánh mắt hình viên đạn về phía tên đầu sỏ Chu Thanh Bách với hàm ý không thể rõ ràng hơn “Đừng tưởng em không biết ai bày cái chủ ý này cho Mật Mật, anh cứ liệu hồn đấy cho em!”
Chu Thanh Bách gãi đầu cười trừ rồi âu yếm kéo tay vợ cùng ngồi xuống ghế xem Tây Du Ký.
Hiện tại, phim mới sản xuất và cho phát sóng 25 tập. Nhận thấy hiệu ứng khán giả quá tốt nên nhà đài quyết định quay thêm phần hai với chiều dài 16 tập. Tuy nhiên, mọi thứ mới đang trong giai đoạn chuẩn bị. Phải tới thập niên 90, phần 2 mới được hoàn tất và ra mắt công chúng mến mộ.
Nhưng chỉ cần 25 tập ở phần 1 này thôi cũng đủ tạo nên tuổi thơ tươi đẹp của biết bao lớp thế hệ. Điển hình là Lâm Thanh Hoà, mặc dù đã được xem đầy đủ cả bộ phim từ đời trước nhưng giờ cô vẫn mê mẩn theo dõi không chớp mắt. Đặc biệt hôm nay TV đang phát sóng tập “Đến Thiên Trúc thu phục thỏ ngọc”, cũng chính là một trong những tập mà cô thích nhất.
10 giờ tối, chương trình truyền hình đến đây là hết, cả nhà lục tục ai về phòng nấy chuẩn bị nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, Lâm Thanh Hoà dậy sớm bảo dì Triệu hầm một nồi canh lợi sữa rồi xách tới thăm mẹ con Chu Tứ Ni, tiện thể hỏi xem cô bảo mẫu mới thuê làm việc có tốt không.
Cái người mà Ông Quốc Đống hẹn trước không được ổn cho lắm, tay chân chậm chạp lại không sạch sẽ thế nên Lâm Thanh Hoà phải nhờ dì Triệu giới thiệu cho một người khác. Cũng may, người này thạo việc hơn nhiều, chăm em bé rất gọn gàng, khéo léo thêm vào đó lại chu toàn cả công việc dọn dẹp nhà cửa lẫn đi chợ nấu cơm.
Có dì bảo mẫu, Chu Tứ Ni đỡ được bao việc. Vì Ông Quốc Đống vẫn đi làm từ sáng tới chiều, còn mẹ chồng phải quán xuyến cửa hàng cửa hiệu. Nói gì thì nói, không thể khoán hết cho nhân viên được, lỡ đâu chúng nó khoắng sạch thì chết dở. Tuy vậy mấy món đồ bổ dưỡng, lợi sữa này nọ chị Ông đều bao hết, ngoài ra chị còn đặc biệt thưởng nóng cho Tứ Ni 500 đồng vì đã có công khai chi tán diệp (1) cho nhà họ Ông.
Nghe cháu gái tâm sự, Lâm Thanh Hoà bật cười: “Mẹ cho thì cháu cứ nhận lấy đi. Thím nghe nói hồi vợ Quốc Lương sinh em bé, chị Ông cũng thưởng như vậy.”
Tuy Chu Tứ Ni về làm dâu sớm hơn nhưng vì ưu tiên sự nghiệp học hành nên việc sinh đẻ bị trì hoãn lại mấy năm. Còn vợ Quốc Lương không vướng bận gì, sau khi cưới là có tin vui liền thành ra Quốc Lương được làm cha trước cả anh Quốc Đống.
Đợt vợ thằng hai sinh đứa con trai, chị Ông cũng mua rất nhiều đồ bổ, bỏ bao lì xì 500 đồng rồi để ông xã cầm lên đơn vị cho tụi nhỏ. Chứ ở đây chị còn phải trông nom hàng quán, nhìn bé bé thế thôi chứ bận rộn lắm, không tài nào rời mắt ra được. Giả dụ, chúng nó ở gần một chút, nhất định chị sẽ nghỉ 1, 2 ngày lên thăm, đằng này xa xôi cách trở quá, ngồi xe hai lượt đi và về cũng mất toi một tuần trời rồi, làm sao chị nghỉ lâu như vậy được. Thôi thì cha hay mẹ cũng như nhau cả mà, một người đại diện là được, xá gì phải có mặt cả hai. Nhất là chị chuẩn bị quà cáp rất hoành tráng, lì xì cũng nặng tay, như vậy là đủ thể hiện tâm ý của mẹ chồng rồi.
Ngồi chơi một lát, Lâm Thanh Hoà đứng dậy ra về để Chu Tứ Ni nghỉ ngơi. Nhưng ra đến cửa cô chợt thay đổi ý định, tạt qua cửa hàng chị Ông xem tình hình buôn bán dạo này thế nào.
Lúc này, chị Ông đang chỉ đạo nhân viên bầy biện hàng hoá.
Thoáng trông thấy bóng dáng Lâm Thanh Hoà, chị Ông cười toe toét, vẫy tay loạn xạ. Giao lại công việc cho nhân viên, chị lập tức kéo Lâm Thanh Hoà ngồi xuống ghế, tiện tay pha bình trà tiếp khách.
Chị vừa thoăn thoắt đổ nước hãm trà vừa cười hỏi: “Em mới sang thăm mẹ con Hồng Hà hả?”
Lâm Thanh Hoà gật đầu xác nhận: “Vâng, con bé khoe với em được mẹ chồng thưởng hẳn 500 đồng.”
Chị Ông phá lên cười ha hả: “Ừ, hai đứa con dâu chị đều cho như nhau, không đứa nào hơn không đứa nào kém, tuyệt đối công bằng.”
Đúng lúc này, có một vị khách nữ tiến vào nhưng đã có nhân viên ra tiếp đón nên chị Ông không cần đứng dậy. Chị vẫn ngồi tiếp chuyện cùng Lâm Thanh Hoà: “Không biết bà thông gia ở quê đã nhận được tin vui chưa?”
“Em gọi thông báo ngay sáng hôm đó rồi, chị cả nhà em phấn khởi lắm.” Lâm Thanh Hoà chỉ nói một nửa, tuyệt nhiên giấu nhẹm vấn đề trọng nam khinh nữ mà chị cả Chu cứ lấn cấn mãi trong lòng.
Nhấp ngụm trà cho đỡ khát, cô mới nói tiếp: “Năm nay thằng Khải với Mỹ Gia kết hôn nên chắc vợ chồng con cái nhà Nhị Ni không về quê ăn Tết được. Có khi chúng nó sẽ dời sang năm sau. Tới lúc ấy Viên Viên cũng cứng cáp rồi, bảo vợ chồng Tứ Ni cho con về thăm ông bà ngoại luôn thể cũng được.”
Chị Ông liền hỏi ngay: “À mà cuối năm nay chắc ông bà thông gia sẽ lên dự đám cưới Tiểu Khải chứ hả?”
Lâm Thanh Hoà: “Cái này em chưa nghe anh chị ấy nói gì. Mà công việc đồng áng với cả chăn nuôi bận rộn lắm, không biết anh chị ấy có thu xếp được không nữa.”
Chị Ông gật gù tán đồng: “Nếu năm nay ông bà thông gia lên được thì vui quá. Thôi, em đưa số điện thoại ở quê đây để chị gọi về nói chuyện với bà thông gia cho. Ngày mùa ngày màng bận rộn thì khó chứ Tết nhất rảnh rỗi, lên đây sum vầy cùng con cháu có phải đông vui bao nhiêu không. Rồi đợi Tết năm sau nhóc con cứng cáp, Quốc Đống và Hồng Hà sẽ về quê ăn tết cùng ông bà ngoại.”
Lâm Thanh Hoà lập tức ghi số điện thoại ra tờ giấy. Chị Ông nhận lấy, kẹp cẩn thận vào cuốn sổ thu chi rồi cười nói: “Để đây, trưa mai vãn vãn khách chị sẽ gọi về.”
Nói thêm dăm ba câu chuyện nữa Lâm Thanh Hoà mới đứng dậy ra về vì khách hàng kéo đến mỗi lúc một đông, vả lại ở nhà cũng có nhiều việc đang chờ cô giải quyết.
40 ngày sau, Chu Tứ Ni hoàn thành xong thời gian ở cữ. Được cái con bé sinh đúng tháng mười dương, không quá nóng không quá lạnh nên cả mẹ và bé đều đỡ vất vả. Ngoài ra còn có một dì bảo mẫu phụ giúp việc nhà nên Chu Tứ Ni cảm thấy tương đối nhẹ nhàng, không hề bị áp lực tâm lý hay xuất hiện triệu chứng hậu sản gì hết.
Còn Viên Viên thì khỏi nói rồi, bé con sổ sữa đáng yêu kinh khủng, hai cái má lúc nào cũng phúng pha phúng phính, nhìn là chỉ muốn cắn cho một cái. Chả trách ba Quốc Đống ngày nào đi làm về cũng mê mải sà vào ẵm bồng cưng nựng con gái một lúc cho thoả nhớ nhung rồi mới chịu đi ăn uống nghỉ ngơi.
Cuối tháng 11, không khí lạnh bắt đầu đổ về rõ rệt hơn, từng cơn gió hanh mon men lùa qua khe cửa, khẽ mơn man trên da thịt. Khó có dịp Quốc Đống được nghỉ phép, Tứ Ni lập tức giao con gái cho anh, phấn khởi mặc áo, quàng khăn cưỡi xe đạp hoà mình vào bầu không khí mát lạnh của thời khắc giao mùa.
Gò bó ở nhà hơn một tháng trời, hôm nay mới được tự do ra đường lại đụng trúng thời tiết đẹp, quả thực không gì tuyệt vời hơn lúc này. Chu Tứ Ni mỉm cười vui vẻ, nhấn bàn đạp chạy thẳng tới tứ hợp việc. Đáng tiếc, cả chú thím tư đều không có nhà. Đoán chắc lúc này mọi người đang ở cửa tiệm nên Tứ Ni không chút do dự, lập tức quay xe chạy tới tiệm trà lớn nhất.
Quả nhiên, cả thím tư lẫn chị Nhị Ni đều đang ở đây.
Chu Tứ Ni dựng xe sát lề rồi hồ hởi tiến vào.
Thoáng thấy bóng cô em gái, Chu Nhi Ni lập tức chạy ra chào đón: “Chị đoán hôm nay kết thúc kỳ ở cữ thể nào em cũng sang bên này mà. Thế Viên Viên đâu?”
Chu Tứ Ni vừa cởi bỏ áo khoác ngoài vừa cười nói: “Ở nhà với ba nó chị ạ. Hôm nay anh Quốc Đống được nghỉ nên em tranh thủ đi chơi một lúc rồi về làm bò sữa.”
Lâm Thanh Hoà rót cho cháu gái một tách trà nóng rồi cười bảo: “Ừ, thỉnh thoảng ra ngoài một chút cho lưu thông không khí, chứ cứ ủ ở nhà mãi không tốt cho sức khoẻ đâu.”
Chu Tứ Ni nhiệt liệt tán thành: “Vâng, lâu lắm mới được hít khí trời, cháu cảm thấy cả người tỉnh táo, thoải mái hẳn ra thím ạ.”
Lâm Thanh Hoà hỏi: “Thế đã gọi điện về cho mẹ chưa?”
Chu Tứ Ni lắc đầu: “Có anh Quốc Đống gọi thôi chứ cháu thì chưa.”
Lâm Thanh Hoà chỉ tay ra phía quầy hàng: “Tiện có điện thoại ở đây, cháu gọi một cuộc về cho mẹ đỡ trông.”
Chu Tứ Ni lập tức chạy lại bàn, thành thục quay số máy nhà ông bí thư chi bộ.
Lúc này, chị cả Chu đang lúi húi trộn một nồi cám vịt to tổ chảng. Nghe bà bí thứ gọi í ới, chị vội vã đứng dậy, rửa tay rồi chạy ù sang nhận điện.
Vừa nghe giọng cô con gái nhỏ gọi mẹ ơi, chị cả Chu mừng suýt rớt nước mắt: “Đây, mẹ đây. Thế con ở cữ xong rồi hả?”
Chu Tứ Ni cười cười: “Vâng. Đáng lẽ xong lâu rồi ấy ạ, nhưng thím tư bắt phải giữ đủ 40 ngày. Mãi tận hôm nay con mới được bước chân ra đường đấy.”
Chị cả Chu rối rít hỏi thăm bé con ngoan không, có chịu ăn chịu ngủ không, ban đêm có quấy khóc gì không, lòng vòng một hồi lại chuyển về vấn đề Quốc Đống có cưng bé không, rồi thái độ mẹ chồng thế nào?
Chu Tứ Ni kiên nhẫn trấn an: “Mẹ ơi, mẹ cứ yên tâm. Mọi người ai cũng yêu thương, cưng chiều Viên Viên. Trên đây không có kiểu trọng nam khinh nữ như ở quê mình đâu, mẹ đừng lo nha!”
Ở nông thôn, đặc biệt là các hộ gia đình càng nghèo càng khao khát con trai, bởi họ cần sức lao động, cần người khoẻ mạnh gánh vác việc đồng áng. Họ quan niệm đẻ con gái vô ích vì thứ nhất, con gái chân yếu tay mền không thể làm những việc nặng nhọc. Thứ hai, nuôi con gái chỉ tổ tốn cơm tốn gạo, mười mấy tuổi đủ lông đủ cánh nó bay về nhà chồng là coi như hết, chẳng quay về phụ giúp được cái gì.
Rối kế hoạch hoá gia đình được ban bố, không ít hộ vì muốn kiếm tìm đứa con trai nên hễ sinh con gái là lập tức dấm dúi đem đi cho. Mà đấy là còn tử tế chán, chứ gặp phải cái loại cha mẹ vô nhân tính ấy hả, chúng nó quăng thẳng đứa bé ra bụi cây ven đường không màng sống chết ấy chứ.
Nhìn nhiều, nghe nhiều đâm ra chị cả Chu không tránh được suy nghĩ vẩn vơ….
===
Chú Thích:
(1)Khai chi tán diệp: tương tự “đâm chồi này lộc”, ý chỉ con đàn cháu đống.