Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 672 - Chương 672: Trù Bị Đám Cưới

Chương 672: Trù bị đám cưới Chương 672: Trù bị đám cưới

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 672: Trù bị đám cưới

Nghe chính miệng con gái khẳng định, chị cả Chu mới thực sự an tâm: “Hôm bữa mẹ chồng con có gọi điện về bảo cha mẹ cố gắng thu xếp cuối năm nay lên dự đám cưới Đại Oa và cô út Mỹ Gia.”

Chu Tứ Ni gật đầu ngay: “Vâng, cha mẹ cố gắng lên cho vui, đưa cả Dương Dương và Vượng Vượng đi cùng nữa. Nhà chú thím tư bây giờ rộng lắm, tha hồ ở, không lo thiếu chỗ đâu.”

Chị cả Chu cười: “Ừ, mẹ đã nói với cha con rồi, ông ấy bảo để từ từ nhìn xem thế nào đã.”

Chu Tứ Ni nói luôn: “Ôi mẹ bảo cha không cần suy tính gì đâu, cứ lên đây đi, không phải lo chỗ ăn chỗ ở. Nếu ngại thì sang nhà chị Nhị Ni hoặc nhà con này. Nhà con cũng còn dư một phòng. Tiện thể dự đám cưới rồi ở lại ăn Tết luôn cho vui, mẹ nhá!”

Nghe có vẻ bùi bùi tai, chị cả Chu tươi cười hết cỡ: “Được được, cha mẹ sẽ lên. Dù sao cũng phải tới xem nhà cửa của con với Nhị Ni rồi thăm mấy đứa cháu ngoại nữa chứ.”

Hai mẹ con nói qua nói lại một lúc lâu mới chịu cúp máy.

Tính đi tính lại chẳng mấy mà tới cuối năm, đặc biệt khi ấy nhu cầu đi lại tăng cao, vé xe vé tàu sẽ rất khan hiếm, thành ra một khi đã quyết định thì phải nhanh tay đặt vé trước chứ đợi nước đến chân mới nhảy có khi lỡ làng hết công chuyện.

Ngẫm nghĩ thế nào, chị cả Chu liền chạy sang nhà Đại Ni hỏi xem nó có muốn tham gia chung luôn không.

Tất nhiên Chu Đại Ni thích lắm, nhà có hai cô em gái đều lấy chồng Bắc Kinh nhưng cho tới giờ nó vẫn chưa biết Bắc Kinh tròn méo ra sao. Khó có dịp Đại Oa kết hôn, thú thực Đại Ni rất muốn đi nhưng còn công việc ở nhà…

Thấy vợ có vẻ lưỡng lự không dám quyết, chồng Chu Đại Ni liền lên tiếng khuyến khích: “Em cứ yên tâm đi đi, chuyện trong nhà đã có anh lo rồi.”

Nhận được sự đồng thuận từ phía chồng, Chu Đại Ni mừng lắm, vội đăng ký một suất với mẹ. Chị cả gật đầu rồi lại mê mải vòng về ướm lời hỏi chú hai xem thế nào. Chứ tình hình là đợt này gia đình chị đi hết rồi đấy, nếu chú ấy không đi thì có thể nhờ trông nhà trông cửa giúp, còn không thì phải sắp xếp tìm người khác cho kịp.

Quả nhiên, anh hai Chu chỉ định gửi tiền mừng thôi, thế là chị cả liền ngỏ ý nhờ cậy luôn. Gì chứ việc này quá dễ, anh hai Chu thoải mái nhận lời ngay, còn nói hai bác cứ yên tâm đi chơi, nhà cửa đã có anh trông giữ giúp.

Chị cả Chu cười cảm ơn rồi lại đánh điện lên hỏi nhà chú thím ba. Chưa cần nói tiếng thứ hai, chị ba Chu liền quả quyết mình sẽ đi, còn anh ba và tụi nhỏ thì ở lại trông nhà với bán buôn hàng quán.

Kế đến, anh ba Chu chạy sang cậu ba Lâm thông báo.

Gần đây, cậu ba Lâm bận tối mắt tối mũi. Làm chủ cùng lúc hai mặt tiền cho nên công việc bề bộn gấp đôi. Sáng sớm gà chưa gáy, cậu đã phải điều khiển xe vận tải xuống tận các ngõ ngách thôn quê thu rau củ, thịt thà…Nhưng nói gì thì nói, dù sao đây cũng là ngày vui của thằng Khải, con trai trưởng chị Thanh Hoà, cậu đường đường là cậu ruột làm sao có thể vắng mặt được.

Với lại, bà vợ nhà mình rất nhanh nhẹn hoạt bát, một mình thừa sức quán xuyến cả hai cửa hàng. Trước khi rời đi, chỉ cần thu gom đủ hàng hoá cho cô ấy buôn bán là được. Ngẫm thấy mọi chuyện sắp xếp như vậy tương đối ổn thoả thế là cậu ba Lâm liền đăng ký một suất lên Bắc Kinh đợt này.

Tất nhiên, Chu Hạ cũng đã nhận được tin. Chứ nó sinh sống ở ngay huyện thành, nếu không báo rồi sau này nó lại trách móc thì mệt lắm.

Chỉ có điều, vừa nghe loáng thoáng, chị hai Chu đã bĩu môi quay phắt vào bếp nấu cơm.

Đợi anh ba Chu đi khỏi, chị ta mới hậm hực nói đểu: “Đi làm chó gì, lúc hai đứa con kết hôn, nhà đó có ai về dự đâu. Giờ mắc gì mình phải đi cho tốn công tốn của!”

“Mẹ à, chú thím ở trên đó bận trăm công nghìn việc, không về được cũng là điều bình thường thôi.” Chu Hạ bất đắc dĩ vô cùng, đúng là hồi đám cưới nó vắng mặt cả nhà chú thím tư nhưng tiền mừng gửi về không hề ít chút nào, thành ý như vậy là quá đủ đầy rồi còn gì?! Riết chẳng biết thế nào mới vừa lòng mẹ nữa, đúng là khó chiều!

Trong khi Chu Hạ tránh nặng tìm nhẹ thì Mã Miểu Miểu chằng thèm nể nang gì: “Ở trên Bắc Kinh có ông bà nội, chú thím rồi các anh chị em họ. Mẹ cấm anh ấy đi là muốn chặt đứt hết tình cảm thân thích có phải không?”

Trước đây Mã Miểu Miểu cứ tưởng chú thím tư cũng là nông dân chân lấm tay bùn như mấy nhà kia cho nên mới khinh khỉnh không tiếp. Chứ giờ biết họ là dân Bắc Kinh, tất nhiên thái độ phải quay ngoắt 180 độ rồi. Tuy nhà cô ở huyện thành, miễn cưỡng cũng được xem là người thành phố nhưng làm sao sánh được với dân thủ đô cơ chứ. Có cho thêm vàng cô cũng không dám lên mặt với người trên đó.

À, tất nhiên cô chỉ nể sợ người giàu có chứ với bà mẹ chồng nghèo hèn này ấy hả, xì, Mã Miểu Miểu chẳng coi ra cái thá gì!

Vậy mà chị hai Chu lại nem nép sợ con dâu mới tài, chị ta yếu ớt giải thích: “Không phải Miểu Miểu à, con mới về làm dâu nên không biết đấy thôi, căn bản nhà họ sống bạc bẽo lắm, dang tay giúp đỡ hết thảy nhưng chỉ riêng nhà ta là khinh thường không giúp.”

Chu Hạ nhíu mày lập tức phản đối: “Mẹ, mẹ nói bừa cái gì thế? Chú thím tư khinh thường nhà mình lúc nào?”

Ngay như cái nghề kiếm cơm này cũng phải nhờ chú tư mới có được. Lúc ấy, nếu không có chú tư chạy chọt quan hệ thì còn lâu người ta mới nhận nó vào xưởng mộc học nghề. Mà không phải chỉ xin mồm xin miệng không đâu, nghe nói người ta đòi những hai cân thịt mỡ lận.

Điều quan trọng là hồi ấy khó khăn chứ nào thừa mứa như bây giờ, thịt thà khan hiếm vô cùng, có tiền cũng chưa chắc mua được. Thế mà chú tư sẵn sàng bỏ công bỏ của ra giúp đỡ nó, khi về cũng tuyệt nhiên không nói tới nói lui nửa lời. Đấy, mãi gần đây nghe cha vợ kể lại, nó mới biết ấy chứ. Thế mà mẹ nó cứ xoen xoét nói xấu chú thím, nói chú thím coi thường thế nọ thế kia, thật đúng là xấu hổ mà!

Còn nữa, hiện tại vợ chồng con cái chị Tam Ni cũng nhờ một tay chú thím dìu dắt. Thử hỏi nếu không có chú thím nâng đỡ, liệu bệnh tình của chị có được chữa trị rồi vợ chồng con cái có thể tạo dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay không.

Vậy đấy, trong khi con cái hết đứa này đến đứa kia được chú thím hỗ trợ mà mẹ hễ mở miệng là oán trách người ta. Thực sự, nó là con trai ruột mà nhiều lúc không tài nào hiểu nổi mẹ nghĩ cái gì trong đầu nữa!

Mã Miểu Miểu lườm bà mẹ chồng cháy mắt.

Chị hai Chu vẫn sống chết không nhận sai, gân cổ lên cãi: “Thế mày không nhớ năm đó con Lục Ni lên Bắc Kinh bị thím tư đuổi thẳng cổ à? Khổ thân con bé, vất vả mấy ngày trời mới lên được đến nơi thế mà nỡ lòng nào đuổi nó về ngay, một bữa cơm cũng không cho ăn, một đêm cũng không cho nghỉ lại. Bắt thằng Đại Oa áp tải nó về ngay trong đêm hôm đó!”

Mãi cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện này, chị hai Chu vẫn uất hận không thôi. Mà nói một cách chính xác thì tức giận chỉ là bể nổi chứ xấu hổ mới là mấu chốt. Nó đuổi con chị tức là gián tiếp vả vào mặt chị còn gì nữa!

Con Lục Ni nhà chị vừa xinh đẹp vừa thông minh, lanh lợi. Hà cớ gì Nhị Ni với Hứa Thắng Mỹ được cất nhắc còn Lục Ni lại bị từ chối hết lần này đến lần khác? Đúng là cái loại bạc bẽo, có tiền có của một cái là giở mặt không coi họ hàng ra cái giống ôn gì!

Chu Hạ thoáng nhíu mày, chuyện năm ấy nó vẫn còn nhớ rõ ràng đây này, đừng tưởng không ai biết mà mẹ muốn vẽ sao thì vẽ. Nhưng cái miệng mẹ nó thì ai mà cãi lại được thế nên Chu Hạ lười chẳng thèm đôi co cho mất thời gian.

Nhưng không, vẫn là Mã Miểu Miểu, vốn có sẵn thâm thù đại hận với Chu Lục Ni nên vừa nghe mẹ chồng nhắc tới cái tên này là cô ta la toáng lên: “Phiền quá điiii ! Nếu mẹ thích thì mời mẹ về ở với cô con gái xinh đẹp thông minh của mẹ. Đừng có ngồi trong nhà tôi, ăn cơm nhà tôi mà suốt ngày nhớ thương cô ta. Mỗi lần nghe thấy cái tên đó là tôi lại nhớ tới đứa con tội nghiệp chưa kịp thành hình của mình!”

Chị hai Chu lập tức im bặt, còn lâu chị mới chịu về quê. Ở trên huyện thành sung sướng bao nhiêu, giờ về thôn để mà chịu mất mặt à?! Quên đi!

Căng thẳng chỉ tổ thiệt thân, chị hai Chu vội xoay thái độ, ngọt nhạt hỏi con trai: “Thế con tính khi nào đi hả Hạ Hạ?”

Mã Miểu Miểu trực tiếp quay sang nói với chồng: “Em cũng muốn đi. Nhỏ lớn em chưa biết Bắc Kinh ra làm sao.”

Chu Hạ gật đầu đồng ý ngay. Trùng hợp khoảng thời gian này cậu không nhận đơn hàng nào, hai vợ chồng đưa nhau ra ngoài cho khuây khoả cũng tốt.

Còn con thì để ở nhà với bà nội là được, chứ đường xá xa xôi tha lôi đi lích kích lắm, vừa tội nó vừa khổ cả mình.

Vậy là danh sách lên thủ đô lần này gồm có vợ chồng con cái nhà anh chị cả, chị ba Chu, cậu ba Lâm, chị hai Chu Hiểu Cúc và vợ chồng Chu Hạ.

Sau khi đã xác định xong, chị ba Chu hào hứng gọi điện cho Lâm Thanh Hoà thông báo.

Khỏi phải nói, Lâm Thanh Hoà mừng rỡ vô cùng: “Được được, mọi người cứ lên đi, chúng em sẽ phụ trách tiền xe. Ngoài ra, chi phí ăn uống chơi bời trên Bắc Kinh cũng do nhà chúng em chi trả toàn bộ.”

Chị ba Chu phấn khởi cười nói: “Cũng may nhà chú thím to đấy, chứ đổi lại nhà khác chắc không thể nào nhét nổi từng này người.”

Đợt đám cưới Ngũ Ni, anh chị đã có dịp ghé Bắc Kinh, trước hết là thăm cha mẹ, sau đó là chiêm ngưỡng căn tứ hợp viện trong truyền thuyết. Chà, phải nói là đẹp kinh khủng, cứ y như nhà quan lại địa chủ ngày xưa ấy, quá trời phòng ốc, sân vườn cũng được bài trí rất hài hoà, đẹp mắt.

Lâm Thanh Hoà cười vang: “Thì chúng em mua căn ấy cốt là để đón đại gia đình mình lên chơi mà lại. Khi nào rảnh rỗi, mọi người cứ tuỳ thời lên chơi, bất cứ lúc nào chúng em cũng chào đón.”

Nói thêm dăm ba câu nữa, hai chị em chào nhau rồi cúp máy. Chưa gì mà tâm tình Lâm Thanh Hoà đã chộn rộn hết cả lên rồi, có lẽ cô phải bắt tay chuẩn bị ngay từ giờ mới được…

Bình Luận (0)
Comment