Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 680 - Chương 680: Mỹ Gia Mang Thai

Chương 680: Mỹ Gia mang thai Chương 680: Mỹ Gia mang thai

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 680: Mỹ Gia mang thai

Chu Hiểu Mai tò mò hỏi: “Bộ nhà chung cư tốt lắm hả chị?”

Lâm Thanh Hoà cười cười gật đầu: “Mua vào chắc chắn không sợ uổng tiền. Nếu cô dượng dư giả thì mua một căn đi, có thể sánh ngang với việc đào tạo ra được một tiến sĩ ấy chứ.”

Nói vậy chứ trong tương lai, kể cả có là tiến sĩ cũng chưa chắc đủ tiền tậu được một căn hộ chung cư tại Bắc Kinh.

Chu Hiểu Mai ngỡ ngàng giây lát rồi mới dè dặt đặt câu hỏi: “Ý chị là em nên mua hả?”

Lâm Thanh Hoà gật gù: “Tuy rằng căn nhà hiện tại của cô dượng không nhỏ nhưng sau này bọn trẻ trưởng thành sẽ phải lấy vợ sinh con. Cô có muốn ở chung với hai đứa con dâu không? Mà kể cả cô thích cũng chưa chắc tụi nó đã chịu ấy chứ?”

Bởi thế cô và Thanh Bách mới cho mỗi thằng một trăm ngàn để chúng nó tự lựa chọn, nếu thích ở riêng thì cứ việc ra ngoài mua nhà tạo dựng cuộc sống, cha mẹ sẽ không can thiệp. Còn đứa nào muốn ở chung thì cứ thoải mái dọn về tứ hợp viện, nhà cửa rộng rãi chứ có chật hẹp đâu mà sợ. Tóm lại là chung hay riêng tuỳ ý các con, vợ chồng cô rất tôn trọng quyền tự do và ý kiến cá nhân, không bao giờ có chuyện bắt ép con cái làm theo ý mình.

Chu Hiểu Mai bĩu môi: “Có mà em không thèm ở cùng chúng nó thì có! Hừ, lấy được đứa con dâu hiền lành tử tế còn đỡ, chứ chẳng may vớ phải đứa keo kiệt thích so đo chắc em chết sớm vì tức mất!”

Lâm Thanh Hoà bật cười ha hả: “Vậy phải dặn Thành Thành và Tốn Tốn khi nào chọn vợ nhớ căng mắt ra nhìn cho thật kỹ vào. Nói đùa thế chứ chị thấy nhà cô nên mua hai căn chung cư, còn nếu có điều kiện nữa thì chuẩn bị cho cả Điềm Điềm và Nhã Nhã luôn.”

Chu Hiểu Mai thiếu chút nữa hộc máu tại chỗ: “Trời ơi, một căn còn chưa được, móc đâu ra bốn căn hả chị?”

Lâm Thanh Hoà liền hỏi: “Thế dạo này công việc làm ăn thế nào?”

Chu Hiểu Mai bất giác thở dài: “Em trông tiệm còn Đại Lâm lại bắt đầu xách xe đi bán rong, cộng cả hai chỗ lại cũng không đến nỗi nào. Nhưng bốn đứa kia nó ăn như xáng cạp ấy. Tháng nào cũng chi vượt mức. Rầu lắm chị ạ!”

Nhắc đến đây thì không thể không công nhận cái quyết định đu càng theo chị tư lên Bắc Kinh quả thực vô cùng sáng suốt và đúng đắn. Nhờ vậy cả nhà mới có cơ hội đổi đời chứ giờ mà còn ở huyện thành thì thảm không để đâu cho hết, chưa chắc cả bốn đứa nhỏ đã được ăn học tới nơi tới chốn ấy chứ. Thử hỏi chỉ dựa vào đồng lương ba cọc ba đồng của Đại Lâm thì làm sao nuôi nổi một nhà sáu miệng ăn? Trước hoàn cảnh bần hàn bữa no bữa đói, chắc chắn tụi nhỏ sẽ phải tạm gác những ước mơ và hoài bão sang một bên, nhường chỗ cho những mối lo cơm áo gạo tiền, giống như phần đông trẻ em sinh ra và lớn lên ở các vùng thôn quê nghèo khó.

Mà kể ra cũng may bởi từ năm 86, nhà nước tiến hành phổ cập giáo dục, miễn giảm học phí chín năm cho các cấp cơ sở, phụ huynh chỉ phải đóng vài khoản phụ phí nhỏ. Nhờ vậy hai vợ chồng cô mới gồng gánh được cả bốn đứa, chứ không khó lòng mà chống đỡ được. Nhưng nào phải mỗi tiền học là xong đâu, còn hầm bà lằng ti tỉ thứ trên đời, nói chung là rất tốn kém. Đấy, nuôi con còn phải tính tới tính lui, thiếu trước hụt sao như thế thì bảo sao dám mơ tưởng tới chuyện sắm nhà sắm cửa cơ chứ.

Chợt nghĩ tới thằng lớn nhà Hiểu Mai hiện đang học chuyên ngành Marketing, Lâm Thanh Hoà liền ướm lời dò hỏi: “Còn hai năm nữa là Thành Thành tốt nghiệp đại học rồi. Nó ra trường đi làm là coi như cô dượng cũng bớt một gánh nặng. À mà thằng bé có định làm ở đâu chưa, hay đợi trường học phân phối?”

Tất nhiên sinh viên đại học thì thời nào cũng quý nhưng bây giờ không tới nỗi hiếm có khó tìm như hồi đầu thập niên 80 nữa rồi. Tuy nhiên ngặt một nỗi số lượng ngày càng nhiều mà việc làm lại hữu hạn nên có rất nhiều sinh viên không muốn thụ động chờ đợi, họ chủ động lao ra ngoài tự tìm kiếm những cơ hội việc làm phù hợp với mong muốn của bản thân.

Chu Hiểu Mai nhíu mày lắc đầu: “Cái này em cũng không rõ nữa, để lần tới nó về em hỏi thử xem sao.”

Lâm Thanh Hoà trực tiếp đưa ra lời mời: “Nếu nó muốn thử sức thì sang Thượng Hải phát triển đi, bên đấy chị có một chuỗi cửa hàng phân phối lá trà, hiện đang giao cho Khương Hằng quản lý. Thành Thành có thể tới đó học hỏi và trau dồi kỹ năng. Chắc chắn mức lương sẽ không thấp hơn cơ quan nhà nước, chỉ là không có bảo hiểm xã hội thôi. Đợi một thời gian nữa, chị sẽ bổ sung thêm cái này vào phúc lợi công nhân viên.”

Được thế thì còn gì bằng, Chu Hiểu Mai nói ngay: “Vâng, để nó về em bảo với nó. Nếu nó đồng ý thì em xin gửi gắm con nhờ chị chỉ bảo giúp.”

Ông cha ta vẫn thường dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, chỉ cần chăm chỉ phấn đấu, kiên định đi theo một con đường thì dù có làm bất cứ nghề gì chắc chắn sẽ gặt hái được thành công. Chính vì lẽ đó Chu Hiểu Mai không ngần ngại cho Thành Thành đến làm công trong tiệm trà của chị tư, bởi cô biết đi theo chị Thanh Hoà chỉ có tiến chứ không bao giờ thụt lùi. Còn ba cái tư tưởng “sĩ nông công thương” (1) từ thời cố hỉ cố lai nào đó giờ đã lạc hậu lắm rồi. Cứ nhìn Tam Oa mà xem, đường đường là sinh viên ưu tú của đại học Bắc Kinh hiện cũng đang đi bán rượu vang đấy thôi, mà thu nhập của nó còn hơn khối cán bộ cấp cao ấy chứ. Tóm lại đối với cô mà nói, nghề nghiệp là không phân sang hèn, chính con người mới làm nên giá trị của chúng.

===

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chớp mắt đã tới tháng tư, tiết trời ngày một ấm dần lên.

Hôm nay, Lâm Thanh Hoà mới nhận được điện thoại của Ông Mỹ Gia. Kể cũng lâu rồi con dâu mới gọi điện thoại về, nhưng chả hiểu sao vừa nghe tiếng nó một cái, trống ngực Lâm Thanh Hoà bất giác đập liên hồi, cảm giác hồi hộp ào ào dâng cao như thuỷ triều…liệu có phải mình sắp lên chức bà nội không nhỉ?!

Và quả nhiên, lần này Ông Mỹ Gia không làm mẹ chồng thất vọng. Đích thực, cô gọi về là để thông báo tin vui. Hiện cái thai đã được hơn một tháng, như vậy có nghĩa là cô cấn bầu ngay trong tuần trăng mật.

Lâm Thanh Hoà mừng quýnh nhưng vẫn không quên quở mắng: “Đã hơn tháng rồi mà giờ mới chịu gọi điện báo cho mẹ hả?”

Ông Mỹ Gia ngại ngùng vô cùng: “Con xin lỗi mẹ, tại công việc bề bộn quá nên con quên mất.”

Hôm nào hết ngày cũng chưa hết việc, xuống ca một cái là cô chỉ thèm ngủ, chẳng thiết tha cái gì hết. Nay vừa chợt nhớ ra là cô vội vội vàng vàng nhấc máy gọi về ngay.

Lâm Thanh Hoà liền nói: “Nhớ chăm sóc bản thân cho thật tốt con nhé, không được tham công tiếc việc mà để cơ thể mệt mỏi đấy, có biết chưa? Tí nữa mẹ sẽ sang thông báo với mẹ con. Có thể ba tháng cuối thai kỳ hai mẹ sẽ lên thăm.”

Dặn tới dặn lui một hồi lâu, Lâm Thanh Hoà mới yên tâm cúp điện thoại.

Đợi vợ nói chuyện xong, Chu Thanh Bách liền cất tiếng hỏi nhưng không khó để nhận ra trong giọng nói ẩn chưa ba phần hồi hộp bảy phần chờ mong: “Có mang?”

Lâm Thanh Hoà reo lên vui vẻ: “Có rồi, chúng ta lên chức ông bà nội rồi anh ơi!”

Chu Thanh Bách cũng bật cười: “Cuối cùng thì thằng nhóc ấy cũng có được chút tích sự!”

Cái anh này, có ai lại nói con như thế không hả giời, nhưng lúc này cô không có tâm trí xử lý anh, phải chạy đi báo tin vui cho chị Ông mới được. Thế là Lâm Thanh Hoà vội vã thay quần áo, cầm chìa khoá xe phóng vù tới tiệm quần áo của chị Ông.

Hiển nhiên sau khi nghe xong, chị Ông mừng đến độ nói liến thoắng không ngớt: “Thật không? Tốt quá tốt quá. Chị nói mà, tình cảm hai vợ chồng nó tốt như vậy, khẳng định sẽ sớm có thôi. Nhưng cái con bé này cũng thật là đểnh đoảng, chuyện lớn như thế mà quên cho được!”

Lâm Thanh Hoà cười cười: “Vừa nãy em nói với con bé, đợi tới những tháng cuối thai kỳ chị em mình sẽ tìm thời gian lên thăm nó. Chị có sắp xếp công chuyện được không?”

Chị Ông tức khắc gật đầu lia lịa: “Được chứ, tất nhiên là sắp xếp được rồi, tới lúc ấy hai chị em mình đi nha.”

Xong ở đây, Lâm Thanh Hoà lại vòng sang nhà cha mẹ chồng. Dù gì Mỹ Gia cũng là dâu trưởng Chu gia, hiện nó mang thai phải báo một tiếng để các ông các bà được vui chứ.

Và không lạ gì khi cả ông bà Chu lẫn ông Vương đều vỡ oà trong niềm sung sướng.

Ông Vương hỏi ngay: “Không biết sắp tới thằng ba có rảnh không nhỉ? Nếu được thì đưa ông lên chỗ vợ chồng thằng cả một chuyến.”

Lâm Thanh Hoà cười nói: “Con với chị Ông cũng tính đi đấy, hay là ông đợi tới lúc đó đi cùng chúng con luôn nha.”

Tuy rằng cơ thể ông không được khoẻ nhưng chỉ tới mùa đông mới phát bệnh thôi, chứ xuân hè thì vô tư, vẫn đi đó đi đây thoải mái.

Nghe thấy vậy, ông Chu liền nói mình cũng muốn đi. Còn bà Chu thì đành ngậm ngùi im lặng. Chuyến xe bão táp từ quê lên Bắc Kinh cho tới giờ vẫn là bóng ma ám ảnh tâm trí bà thành ra bà chẳng dám đi đâu xa. Không thể về quê gặp lại đám chị em đã đành, giờ lại còn không thể đi thăm chắt nội đích tôn nữa mới bực chứ. Cái tật say xe thật là đáng chết mà!

===

Thế là từ đó về sau, theo căn dặn của mẹ chồng, mỗi cuối tuần Ông Mỹ Gia đều phải gọi về báo cáo tình hình sức khoẻ một lần.

Cũng may đợt này thời tiết dần ấm áp lên, số lượng bệnh nhân giảm đáng kể nên thời gian của cô thoáng đãng hơn.

Tuy mang tiếng mẹ chồng nàng dâu nhưng Mỹ Gia cảm thấy như đôi bạn thân cùng lớp vậy. Bất kể chuyện gì cô cũng có thể thoải mái mang ra tỉ tê tán gẫu, chia sẻ và xin ý kiến mẹ chồng. Bởi vậy cho nên lần nào hai mẹ con cũng buôn cháy máy mới chịu dừng.

Qua những cuộc điện thoại, Lâm Thanh Hoà đã phần nào hình dung sơ bộ cuộc sống trong doanh trại. Tuy không được tiện nghi đầy đủ nhưng cũng không tới mức thiếu thốn khổ sở. Thôi như vậy cũng yên tâm phần nào.

Tận một tháng sau, Lâm Thanh Hoà mới nhận được cuộc gọi của thằng Khải. Nó ra ngoài làm nhiệm vụ, phải cắt đứt liên lạc với tất cả mọi người thành thử ra nó lại là người cuối cùng biết được tin mừng.

Ở đầu dây bên kia, giọng nói nó cao vút không nén được kích động cùng vui sướng.

Lâm Thanh Hoà bật cười mắng: “Thằng ranh này, về rồi thì phải hết lòng chăm sóc vợ cho cẩn thận đấy. Những ngày con vắng nhà chỉ có mỗi con bé lủi thủi một thân một mình, phụ nữ bụng mang dạ chửa là mệt mỏi lắm. Con làm chồng phải quan tâm, chiều chuộng vợ, có biết không?!”

Chu Khải cười vang: “Con biết rồi mẹ, ngày mai con sẽ lập tức lái xe vào thị trấn mua một thùng táo và một thùng lê.”

Lâm Thanh Hoà nhắc nhở: “Cả sữa bột và sữa mạch nha nữa.”

Chu Khải gật như giã tỏi: “Vâng, vâng… mua, mua chứ. Có bao nhiêu đồ bổ con sẽ mua bằng hết!”

Cậu chàng vừa nói vừa cười vang, hiển nhiên niềm hạnh phúc lần đầu tiên được làm cha không gì có thể so sánh được. Nó pha trộn rất nhiều xúc cảm mãnh liệt và thiêng liêng. Đó là một cảm xúc khó tả nhưng chắc chắn sẽ đi theo cậu suốt cuộc đời này, mãi mãi không thể nào quên!

===

(1)”Sĩ nông công thương” hay còn gọi là tứ dân, là cách gọi bốn giai cấp chính trong triều đại phong kiến. “Sĩ” là tầng lớn đứng đầu chỉ những người phục vụ và làm việc cho triều đình. “Nông” là nông dân. “Công” là công nhân. Và “thương” là thương nhân cũng đồng thời là những người có giai cấp thấp nhất trong xã hội.

Bình Luận (0)
Comment