Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 689 - Chương 689: Cuộc Sống Hôn Nhân

Chương 689: Cuộc sống hôn nhân Chương 689: Cuộc sống hôn nhân

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 689: Cuộc sống hôn nhân

“Còn nhiều thì ăn mạnh lên cho mau hết. Em chịu khó nấu bồi bổ cho anh Khương vào. Một người khoẻ hai người vui!” Lâm Thanh Hoà nói một cái tỉnh rụi khiến Tiết Mỹ Lệ ở đầu dây bên kia phá lên cười như nắc nẻ.

Kế đến, Lâm Thanh Hoà hỏi thăm tình hình sức khoẻ chú thím Khương, biết thân thể cả hai ông bà đều an khang cô mới hỏi sang Chu Ngũ Ni.

Hiện tại cái bụng của Ngũ Ni đã lớn tháng, chắc nó chỉ dạy nốt học kỳ này rồi qua hè là nghỉ luôn ở nhà chuẩn bị chờ sanh em bé.

Nhìn chung cho tới lúc này mọi chuyện đều tương đối ổn thoả, không xảy ra vấn đề gì quá lớn, chỉ có mỗi việc bà mẹ chồng đang đòi lên chăm con dâu ở cữ là Chu Ngũ Ni không bằng lòng thôi.

Chẳng biết do trùng hợp hay gì mà tối hôm qua mới nói chuyện với Tiết Mỹ Lệ thì ngay sáng hôm sau Lâm Thanh Hoà lại nhận được điện thoại của Chu Ngũ Ni.

Ở đâu dây bên kia, Ngũ Ni phụng phịu mách: “Mẹ Khương Hằng thiên vị con trai trưởng lắm. Miệng nói lên chăm con dâu ở cữ chứ thực tế là muốn xem xem bên này có cái gì ngon bổ để còn lén xách về bên đó. Thú thực là cháu không thích như vậy một tí nào ấy nên cháu đang tính bỏ tiền thuê một cô bảo mẫu cho tiện, khỏi cần nhờ vả ai.”

Lâm Thanh Hoà thoáng sững sờ: “Không lẽ từng mất đồ rồi à?”

Chu Ngũ Ni khẽ thở dài: “Không bắt tận tay thím ạ nhưng hai lần rồi, hễ bà lên chơi là y như rằng đồ vật trong nhà không cánh mà bay. Lúc đầu cháu cũng chả biết đâu, cứ tưởng mình để lẫn nên lục tung cả nhà cả cửa lên tìm, đến khi anh Khương Hằng bảo có lẽ mẹ cầm về rồi cháu mới biết ấy chứ. Chán ghê…”

Lâm Thanh Hoà nhíu mày hỏi: “Thế thái độ của Khương Hằng như nào?”

Chu Ngũ Ni cười cười: “Anh ấy bảo tuỳ cháu, mọi việc trong nhà đều nghe theo ý cháu hết, chỉ cần cháu không tức giận là được.”

Trước khi kết hôn, Chu Ngũ Ni đã thông suốt tư tưởng rồi, gia đình bên chồng thế nào không quan trọng, chỉ cần chồng yêu thường và hướng về phía mình là đủ. Còn lại hàng tháng vợ chồng cô vẫn gửi một ít sinh hoạt phí về nội coi như làm tròn trách nhiệm và bổn phận của con cái. Hơn nữa chuyện này cũng không đáng phải làm lớn vì cuối cùng người mệt mỏi và khó xử nhất lại chính là chồng mình mà thôi. Hiện giờ công việc của anh đã bận rộn lắm rồi, một mình phải quản lý mấy tiệm trà nên Chu Ngũ Ni thực lòng không muốn tạo thêm áp lực cho chồng nữa. Tính ra từ ngày cưới nhau về đến nay, anh rất nỗ lực vun vén cho mái ấm nhỏ này. Một ngày của anh luôn bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ cho tới tối mịt mới kết thúc. Nhờ sự chăm chỉ chịu thương chịu khó nên ngoài lương cứng, anh còn được hưởng thêm phần trăm doanh thu, như vậy tính ra một tháng cũng lãnh được gần 300 đồng.

Có thể nói, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại, mức lương 300 đồng hoàn toàn không phải con số nhỏ, thậm chí là niềm khao khát của biết bao con người, cho nên vợ chồng cô đã may mắn có được cơ hội vậy thì hà cớ gì không nỗ lực nắm lấy? Vì thế, Chu Ngũ Ni quyết định bỏ qua hết, không so đo tính toán gì nữa để chồng có thể tập trung lo công việc mà chẳng phải bận tâm về mấy chuyện lặt vặt trong gia đình.

Chu Ngũ Ni cười chua chát: “Lần trước bà xách mấy quả táo con con tới rồi lời trong lời ngoài, ý là nhà to thế này hai vợ chồng ở sao hết, hay là cho mấy cô em chồng dọn lên đây ở chung cho vui.”

Lâm Thanh Hoà hỏi ngay: “Thế cháu trả lời sao?”

Chu Ngũ Ni lắc đầu rõ mạnh: “Còn lâu cháu mới đồng ý. Căn nhà này là chú thím tư cho vợ chồng cháu ở nhờ. Lý gì lại tha lôi thêm cả đống người vào đây được.”

Lâm Thanh Hoà cười cười: “Nếu tử tế thì cho ở cũng không thành vấn đề.”

Chu Ngũ Ni xì một tiếng: “Thôi thôi thím ạ, chúng nó nhiều chuyện lắm, cháu chẳng thích tẹo nào.”

Giả dụ hai cô em chồng là người chăm chỉ chịu khó, hiền lành thật thà thì Ngũ Ni không ngại đón lên đây ở chung, có gì hỗ trợ mấy việc lặt vặt trong nhà cũng đỡ. Nhưng khổ một nỗi đứa nào đứa nấy đều là chúa tò mò tọc mạch, thích đưa chuyện thị phi. Với lại, người xưa đã dạy rồi “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, vậy nên tốt hơn hết là cứ ở xa ra, ai lo phận nấy chứ túm tụm vào một chỗ rồi chẳng sớm thì muộn mà mất tình anh em.

Lâm Thanh Hoà cười cười: “Ừ, chuyện này cháu cứ thoải mái sắp xếp theo ý mình, miễn sao cảm thấy cuộc sống dễ chịu, không bị gò bó là được. Còn vấn đề tìm người chăm sóc sau sinh thì cháu cứ thuê bảo mẫu đi, chi phí bao nhiêu thím tư sẽ trả cho.”

Chu Ngũ Ni toét miệng cười: “Không cần đâu thím ạ, chúng cháu lo được mà.”

Lâm Thanh Hoà nói: “Hôn nhân của cháu và Khương Hằng là do một tay thím tư kết nối. Có câu nói làm người tốt phải làm đến cùng, tiễn Phật tiễn đến Tây Thiên. Thôi cứ để thím trả chi phí thuê bảo mẫu, như thế thím mới yên tâm được. Còn lại những cái khác thì vợ chồng cháu tự lo đi, thím không giành đâu.”

Thím đã nói vậy rồi, Ngũ Ni cũng không tiện từ chối. Cô lễ phép nói lời cảm ơn và thầm ghi nhớ lòng tốt của thím tư đối với gia đình nhỏ của mình.

Vì cái bụng càng ngày càng lớn nên Chu Ngũ Ni bắt đầu đánh tiếng tìm bảo mẫu khắp nơi.

Hiển nhiên bà Khương ở sát vách cũng mau chóng nghe được tin này. Tính tình mẹ Khương Hằng khó ưa cỡ nào thì có lẽ cả họ đều biết thế nên bà Khương chẳng lấy gì làm lạ thậm chí còn rất nhiệt tình giúp Ngũ Ni tìm một bảo mẫu có kinh nghiệm và danh tiếng tốt. Sau khi kiếm được, bà còn cẩn thận dắt tới cho Ngũ Ni xem qua rồi để con bé tự mình lựa chọn.

Tất nhiên người đã được các cô các bà khen ngợi thì đảm bảo không có chỗ nào để chê. Chu Ngũ Ni không chút do dự mà nhanh chóng đưa ra quyết định ngay. Thế là việc tìm bảo mẫu đã xong, giờ chỉ cần thảnh thơi đợi tới ngày lâm bồn thôi.

Nhưng rất nhanh, việc này đã thổi tới tai bà mẹ chồng. Dĩ nhiên bà ấy rất không hài lòng tuy nhiên không thể chạy lên nhà chúng nó làm toáng lên được, đợi mấy hôm nữa thằng Khương Hằng về đưa tiền bà sẽ nhỏ to thổi vào tai con trai.

Hôm nay được lãnh lương, Khương Hằng đi về nhà cha mẹ đưa tiền trợ cấp như mọi tháng. Vốn dĩ hai tháng gần đây kiếm được tương đối nhiều nên anh đang tính đưa thêm một ít cho ông bà ăn quà nhưng nào ngờ vừa đặt chân vào cửa, chưa kịp ngồi xuống uống miếng nước đã bị mẹ mắng xối xả từ trên đầu mắng xuống nào là con vợ mày thế nọ, con vợ mày thế kia…Khương Hằng bực quá, móc túi đưa số tiền đúng như quy định rồi lạnh tanh buông một câu: “Mẹ, cuộc sống của vợ chồng chúng con cứ để chúng con tự sắp xếp. Mẹ không cần nhọc lòng đâu.”

Làm sao anh không hiểu tính nết mẹ ruột mình thế nào. Chẳng những thiên vị gia đình anh cả ra mặt lại còn có cái thói tay chân táy máy. Những món lớn thì không có gan lấy nhưng phàm mấy thứ nhỏ nhỏ lặt vặt là cứ tiện tay bỏ vào túi cầm về nhà mình. Tỷ như lần trước, Hồng Mẫn nói muốn ăn cháo hải sâm thế mà hai vợ chồng tìm bở cả hơi tai hết tủ nọ tới hộc kia cũng không thấy. Rõ ràng còn thừa một ít chính tay anh cất lên tủ bếp giờ tự nhiên không cánh mà bay thì cũng tài thật đấy. Mà trong nhà chẳng có khách khứa gì lui tới chỉ có độc mẹ anh thỉnh thoảng lại kiếm cớ lên thăm con dâu. Không cần hỏi thì Khương Hằng cũng biết thừa vụ đó là ai gây ra.

Cũng may Hồng Mẫn là người hiểu biết lý lẽ lại rộng lượng vị tha chứ nếu như người khác đòi tra cứu tới cùng thì đúng là bẽ mặt cả Khương gia.

Lần này cô ấy ở cữ, thím tư bên kia đã tuyên bố bỏ tiền thuê bảo mẫu tới giúp đỡ. Kể cả không có thím thì anh cũng sẵn sàng bỏ tiền ra thuê người đỡ đần vợ con mình cơ mà. Tính ra một tháng tốn có hơn trăm đồng, anh vẫn đủ khả năng chi trả được.

Thế mà mẹ cứ nằng nặc đòi lên giúp bằng được, rồi còn nói cái gì tốn tiền tốn của. Hừ, nếu mẹ thật lòng quan tâm tới con cháu thì anh cũng lấy làm mừng đằng này sợ rằng tâm mẹ chỉ hướng tới chỗ đồ bổ mà thím tư sẽ gửi sang cho mẹ con Hồng Mẫn mà thôi.

Đó là đồ của vợ con anh, làm sao anh có thể trơ mắt nhìn người khác lấy đi được. Kể cả có là mẹ ruột cũng tuyệt đối không được phép.

Thấy con trai nhất quyết không thay đổi ý định, mẹ Khương Hằng liền chuyển sang đề tài muốn gửi gắm hai đứa con gái lên đó ở cho rộng rãi thoáng đãng.

Vừa nghe mẹ nhắc tới hai nhỏ em gái là đầu óc Khương Hằng tức khắc tê rần, rước chúng nó lên để phá banh nhà banh cửa ra à?!

“Căn nhà đó là của chú thím Hồng Mẫn, chúng con chỉ ở nhờ thôi, làm sao có quyền cho người khác vào được. Vả lại nhà mình cũng đâu tới nỗi chật chột gì cho cam, vẫn ở được mà. Mẹ à, mẹ đừng nghe chị dâu xui bậy. Thôi, con về đây, mẹ nghỉ ngơi đi.” Dứt lời, Khương Hằng vội vàng bỏ của chạy lấy người.

Lúc này, Chu Ngũ Ni đang ở nhà thảnh thơi ăn đậu phộng luộc. Thấy chồng về, cô nhoẻn miệng cười rồi tiện tay bóc cho anh hai hạt.

Chu Ngũ Ni và Khương Hằng là cặp vợ chồng chị em kiểu mẫu. Tức là Chu Ngũ Ni vừa đảm nhận vai trò làm vợ nhưng cũng vừa ra dáng một người chị, hết mực chăm sóc và chiều chuộng chồng. Chả thế mà Khương Hằng ngoan ngoãn một phép một tội. Đúng kiểu ra đường anh là cá mập nhưng về nhà không khác gì cá con. Ngoan ngoãn cực kỳ luôn!

Đương nhiên, Chu Ngũ Ni vô cùng hài lòng. Ở ngoài xã hội anh có thể là một người quản lý hét ra lửa, nghiêm khắc với cấp dưới nhưng về nhà anh phải là một người chồng người cha dịu dàng, ngọt ngào mới được.

Vừa ăn, Chu Ngũ Ni vừa chọc một ngón tay lên gãi đầu, cái miệng nhỏ không quên làu bàu: “Hôm nay đầu em ngứa quá anh ạ.”

Khương Hằng lập tức xắn tay áo: “Để anh múc nước gội đầu cho em.”

Chu Ngũ Ni mừng húm, vội vàng nằm lên cái ghế trường kỷ mà thím tư để lại cho, hơi nhô đầu ra ngoài để chồng tiện bề xối nước.

Bỗng nhiên, Chu Ngũ Ni nói bâng quơ: “Hay là em cắt bớt tóc anh nhỉ, chứ dài quá vừa khó gội lại vừa lâu khô.”

Khương Hằng cẩn thận massage đầu cho vợ rồi mỉm cười dịu dàng: “Đừng cắt, em để tóc dài mới đẹp. Lúc nào ngứa đầu em chỉ việc nói một tiếng, ông xã luôn sẵn sàng đợi lệnh!”

Bình Luận (0)
Comment