Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 691 - Chương 691: Giúp Đỡ Anh Hai Chu

Chương 691: Giúp đỡ anh hai Chu Chương 691: Giúp đỡ anh hai Chu

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 691: Giúp đỡ anh hai Chu

Nhìn mấy người anh em sống trong sung túc ấm êm, thực lòng mà nói anh hai Chu ngưỡng mộ cực kỳ.

Tính ngày tính tháng thì anh chỉ hơn Chu Thanh Bách đúng 4 tuổi mà thôi nhưng trông chú ấy cứ như thanh niên 30 trẻ trung phơi phới còn anh thì già cả hom hem chẳng khác nào ông lão 60.

Cái hồi còn trẻ khoẻ, anh cũng ra sức nỗ lực hòng mong tìm kiếm cơ hội đổi đời nhưng giờ hết xí quách rồi, với cả cũng chán nản đâm ra anh từ bỏ, anh buông xuôi, mặc cho dòng đời xô đẩy tới đâu thì tới. Ôi, sống nay chết mai ấy mà, sống ngày nào biết ngày đấy thôi, miễn sao không làm gánh nặng cho con cái, không gây phiền hà tới mọi người xung quanh là tốt rồi.

Lâm Thanh Hoà len lén quan sát biểu hiện của anh hai. Đúng là anh đang cố gượng cười nhưng trên gương mặt khắc khổ không giấu được vẻ chán chường, mệt mỏi, mất hết niềm tin và hy vọng vào cuộc sống.

Để cho hai anh em nói chuyện được tự nhiên, Lâm Thanh Hoà lặng lẽ rút vào bên trong kiếm chị cả tâm sự riêng.

“Trời ơi sao ông anh hai nhà mình khổ quá vậy? Em nhìn mà chẳng đành lòng tẹo nào chị ạ.”

Chị cả Chu buông cán chổi, thở dài thườn thượt: “Không những không đành lòng mà nhiều lúc chị thực sự lo lắng cho hoàn cảnh của chú ấy.”

Trong khi tất cả mọi người đua nhau phấn đấu vươn lên thì gia đình chú hai vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện tại người ta cất nhà ngói ầm ầm, thậm chí một số gia đình giàu có còn đang tính học đòi người thành phố xây nhà lầu thì chú hai vẫn ngày ngày nép mình dưới căn nhà lá xiêu xiêu vẹo vẹo. Tất nhiên không đến nỗi thiếu ăn thiếu mặc, cơ cực bần hàn như cái hồi nạn đói nhưng giờ là thời đại nào rồi mà còn ăn cơm mới nói chuyện cũ? Tất cả mọi người đều muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, muốn được ăn ngon mặc đẹp vậy tại sao mình lại chọn cách tồn tại lay lắt cho qua ngày đoạn tháng như thế?

Phàm ở đời, chí ít mỗi người phải có cho mình một mục tiêu để theo đuổi, để hướng tới. Chứ sống mà không có mục đích, cứ thả trôi cho số phận đưa đẩy thì lãng phí và vô nghĩa lắm!

Cám cảnh khi thấy em chồng lủi tha lủi thủi sớm hôm, lâu lâu chị cả lại bảo anh cả cầm sang cho chú ấy chén thức ăn gọi là có thêm món mặn để mâm cơm đỡ phần tuềnh toàng, cẩu thả.

Lâm Thanh Hoà khó hiểu: “Không lẽ chị ta nỡ lòng mặc kệ chồng mình như thế?”

Ôi cái con người đó thì nói làm gì, chị cả Chu tức điên: “Nó lên huyện ở hẳn rồi, chỉ khi nào tới vụ thu hoạch mới vác mặt về thôi. Ai không biết có khi lầm tưởng Mã Miểu Miểu là con đẻ cô ta chứ không phải con dâu đâu!”

Mỗi năm chị hai Chu trở lại thôn đôi lần, nhưng không phải về thăm chồng mà là để càn quét lương thực, hoa màu rồi gọi xe lừa chở hết lên nhà con trai trên huyện thành.

Chị cả Chu bĩu môi bổ sung: “Gớm, có hiếu với con dâu lắm, chồng thì bỏ xó không lo. Riết rồi chả ra cái thể thống gì nữa!”

Tính nết Mã Miểu Miểu ra sao có lẽ tất cả mọi người đều biết. Hôm đám cưới Chu Khải, nó cũng theo chồng tới tham dự nhưng tuyệt nhiên không dám hó hé hay bày tỏ thái độ lồi lõm gì. Tuy nhiên, nhìn cái bộ dạng lưng rùa, eo rắn liếc xéo nhìn ngang là biết chả phải hạng tử tế rồi.

Thế mà chị hai Chu vẫn cúc cung tận tuỵ, phục vụ con dâu như bà hoàng, về điều này cả Lâm Thanh Hoà lẫn chị cả Chu đều không tài nào lý giải nổi?!

Chị cả Chu nói thêm: “Bắt đầu từ học kỳ sau, Hạ Hạ cũng đón nốt thằng em út vào thành luôn, như vậy là chỉ còn mình chú hai ở nhà thôi. Anh chị đang tính hay là bảo chú ấy góp gạo sang đây rồi chị nấu cho mà ăn một thể, chứ có một mình thế nào cũng ngại nấu rồi ăn đại ăn đùa cho xem.”

Đây, đây chính là nguyên do vì sao Lâm Thanh Hoà thích giao thiệp với người như chị cả Chu. Nói thì lại bảo khen chứ quả thực chị ấy rất thiện lương và giàu lòng nhân ái, tính tình cũng rất xởi lởi phóng khoáng, ai cần là giúp ngay không nề hà do dự. Tất nhiên trước đây cuộc sống khó khăn không nói làm gì, nhưng giờ điều kiện kinh tế khấm khá hơn rồi, càng ngày chị càng ra dáng dâu trưởng Chu gia, đặc biệt là cái khoản quán xuyến, vun vén và lo toan tới từng thành viên trong đại gia đình họ Chu.

Nhá nhem tối, vợ chồng Chu Thanh Bách ẵm Mật Mật về nhà mình nghỉ ngơi.

Cũng may trước đó mấy ngày, Chu Vượng đã xông ngải cứu khắp các ngóc ngách trong nhà nên đã đuổi được phần lớn ruồi, muỗi, côn trùng. Giờ chỉ cần giăng mùng cẩn thận là không sợ bị mấy con vật nho nhỏ đó làm phiền giấc ngủ.

Chui vào màn một cái là Mật Mật chổng mông ngủ say sưa. Vì ba đã hứa rồi, nếu ai ngủ ngoan sáng sớm mai sẽ được dắt đi xem con trâu với cả con lừa nữa. Bé con cực mong chờ được gặp các bạn mới thế nên hợp tác lắm, leo lên giường là nắm mắt ngủ ngay, không hề mè nheo làm nũng gì hết.

Nhưng ngược lại cả Lâm Thanh Hoà lẫn Chu Thanh Bách đều chưa ngủ được vì còn mải trằn trọc về chuyện ông anh hai.

Bất chợt, Lâm Thanh Hoà than nhẹ một câu: “haiz, cái hoàn cảnh của anh hai đúng là khiến người ta chua xót!”

Chu Thanh Bách không nói gì, chỉ buông một tiếng thở dài não nề. Nhìn người anh ruột thịt của mình rơi vào hoàn cảnh như vậy, làm sao không xót xa, đau lòng cho được. Cùng ở lại trong thôn như nhau, nhưng cuộc sống của anh cả vui tươi nhẹ nhõm bao nhiêu, sắp tới nghe nói còn được bổ nhiệm làm bí thư mới oai chứ.

Còn anh ba thì khỏi nói rồi, công việc kinh doanh càng làm càng phất, gia đình cũng hoà thuận ấm êm, tóm lại là không có gì phải suy nghĩ.

Quay qua quay lại chỉ riêng mỗi mình ông anh hai…haizzz….chán ơi là chán!

Lâm Thanh Hoà liền gợi ý: “Hai là mình tiến hành khởi động dự án nông trường ở vùng ngoại ô đi, anh thấy sao?”

Bắt được ý vợ, Chu Thanh Bách hết sức ngạc nhiên: “Em muốn đưa anh hai lên Bắc Kinh?”

Lâm Thanh Hoà thản nhiên gật đầu: “Em nghe chị cả bảo học kỳ tới Hạ Hạ sẽ đón thằng út lên huyện thành rồi. Ở quê đã không còn vướng bận gì thì lên Bắc Kinh làm cũng được mà, tiện thể ở gần cha mẹ luôn chứ em thấy mẹ cứ nhắc anh hai mãi, kể cũng tội nghiệp…”

Đến cái tuổi gần đất xa trời là các cụ hay nhớ mong con cháu lắm. Xa quê nhiều năm, bà Chu đã có dịp hội ngộ thằng cả, thằng ba, thậm chí hai đứa con gái cũng đã gặp rồi, nhưng chỉ riêng thằng hai là chưa. Tất nhiên, bà vẫn nghe ngóng tin tức của nó từ người này người kia nhưng thực lòng bà hy vọng được thấy con bằng xương bằng thịt, dù chỉ một lần thôi cũng đủ mãn nguyện lắm rồi.

Về điểm này, tuy ông Chu không nói thành lời nhưng sâu trong tâm khảm, ông cũng rất nhớ thương và mong ngóng thằng con trai thứ hai.

“Dự án đó yêu cầu một nguồn kinh phí rất lớn, nhà chúng ta còn chưa chuẩn bị đủ!” Chu Thanh Bách do dự nói. Đúng là anh rất muốn đón anh hai lên Bắc Kinh nhưng gì thì gì vẫn phải nhìn vào thực tế, không thể vì một phút xúc động mà để con tim lấn át lý trí được. Xử lý không khéo là hại người hại cả mình như chơi.

Lâm Thanh Hoà suy tính một chút rồi nói: “hmm…anh nói cũng đúng, vậy cái đó đẩy ra sau đi. Mình cho khởi công xây dựng khu nhà trọ trước.”

Từ lúc nhà nước cho phép người dân tự do mua bán đất nền, vợ chồng cô đã nhanh tay thu gom được kha khá. Giờ chỉ cần tháo dỡ các căn nhà cũ nát rồi cho dựng lên toà nhà kiên cố, khang trang hơn là được.

Lâm Thanh Hoà nói thêm: “Đến lúc đó mình bảo anh hai đi theo giám sát công trình. Đợi xây xong hết một loạt ấy là cũng vừa hay tới lúc thực hiện dự án nông trường rồi.”

Cô lên kế hoạch xây dựng một loạt các toà nhà bảy tầng cho công nhân tỉnh lẻ lên thuê trọ. Tính ra công trình này khá đồ sộ và dài hơi. Nếu không có thân tín đi theo trông coi giám sát thì quả thực Lâm Thanh Hoà không thể nào yên tâm được.

Tất nhiên, Chu Thanh Bách biết anh hai chính là sự lựa chọn không thể tốt hơn, chỉ có điều….

Nghĩ tới đây, anh không nhịn được buộc phải lên tiếng: “Anh sợ chị hai sẽ làm ầm ĩ lên thôi.”

Lâm Thanh Hoà khinh bỉ bĩu môi: “Gớm chết, chỉ cần anh hai gửi tiền về là chị ta ngoan ngoãn ngậm miệng ngay chứ gì! Đợi xong đám tang, vợ chồng mình sẽ qua chỗ Hạ Hạ nói chuyện với chị ta.”

Ôi dào, cô còn lạ gì cái bản tính của bà chị hai này nữa. Trên đời này, thứ chị ta thích nhất là tiền và người chị ta ghét nhất chính là cô. Vì lòng đố kỵ cao hơn trời cho nên không bao giờ có chuyện chị ta đòi lên Bắc Kinh sống, thành thử anh hai Chu cứ yên tâm mà đi làm, hàng tháng đều đặn gửi tiền về là đảm bảo mọi chuyện sẽ cực kỳ yên ổn. Chứ ngậm miệng ăn tiền rồi còn định hó hé gì nữa, đúng không?!

Vả lại, Lâm Thanh Hoà đón anh hai Chu lên thủ đô không phải chỉ đơn thuần là phụ giúp nhà mình mà cái chính là cô muốn hoàn thành tâm nguyện của cha mẹ chồng, để hai ông bà già khỏi phải ngày đêm khắc khoải, ưu tư.

Tất nhiên, Chu Thanh Bách hiểu được suy tính này của vợ. Anh bất giác siết chặt lấy bàn tay mảnh khảnh của cô rồi nghẹn ngào thổ lộ: “Vợ à, cảm ơn em!”

Lâm Thanh Hoà bật cười, trừng mắt nạt: “Vợ chồng già rồi mà còn bày đặt khách sáo ơn với chả huệ. Chẳng qua em thấy anh hai là người hiền lành tử tế nên em mới giúp thôi, chứ người khác thì còn lâu nhá!”

Thực ra có một chuyện mà tới giờ Lâm Thanh Hoà vẫn nhớ rõ như in…

Rất lâu trước đây, từ cái thời mà thằng cả vẫn còn là một cậu nhóc con mặc quần thủng đít chạy chơi khắp đầu làng cuối xóm.

Hôm đó, cô đang lúi húi trong bếp luộc trứng gà thì nó từ đâu chạy ào vào rồi liến thoắng kể có lần đói bụng quá được bác hai dúi cho hai quả trứng chim cút béo ngậy, ngon ơi là ngon. Lâm Thanh Hoà bật cười hỏi còn gì nữa không?

Đại Oa hào hứng khoe còn có cả khoai lang đỏ nữa mẹ ạ. Không những vậy, cu cậu còn lí lắc khen bác hai nướng khoai ngon nhất thiên hạ.

Nhìn ánh mắt vô tư thuần khiết của con mà Lâm Thanh Hoà quặn lòng. Thế nhưng những chuyện này đã diễn ra trước khi cô xuyên đến nên Lâm Thanh Hoà không gạn hỏi nhiều mà chỉ âm thầm ghi nhớ. Và giờ là lúc cô trả ơn bữa ăn mà hôm ấy anh đã giúp con trai mình vượt qua cơn đói…

Bình Luận (0)
Comment