Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 695 - Chương 695: Phiên Ngoại 1- Hỷ Tang

Chương 695: Phiên ngoại 1- Hỷ tang Chương 695: Phiên ngoại 1- Hỷ tang

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 695: Phiên ngoại 1- Hỷ tang

Tháng 9 dương lịch, Chu Ngũ Ni thành công hạ sinh một thằng cu. Nghe nói thằng nhóc bụ bẫm lắm, nặng tận ba ký rưỡi lận, khiến mẹ Ngũ Ni phải dùng hết sức bình sinh mới “rặn” ra được cu cậu.

Có thằng con giai, Khương Hằng phấn khởi gọi điện sang Bắc Kinh báo tin. Lâm Thanh Hoà vui vẻ chúc mừng gia đình nhỏ đón chào thêm thành viên mới rồi quan tâm hỏi thăm tình trạng của mẹ và bé thế nào?

Khương Hằng cười nói cả hai mẹ con đều khoẻ, bảo mẫu cũng đến phụ giúp rồi, thím ấy nhanh nhẹn thạo việc lắm, nhìn chung mọi thứ đều tốt cả.

Ừ, được vậy thì yên tâm rồi! Kế đến, Lâm Thanh Hoà gấp rút sai thằng ba sang Thượng Hải một chuyến, đem đồ bổ cho Ngũ Ni và quần áo cho đứa nhỏ. Tuy rằng Viên Viên nhà Tứ Ni là nữ còn nhóc con nhà Ngũ Ni là nam, nhưng trẻ sơ sinh cứ mặc lẫn lộn cũng không vấn đề gì, miễn sao em bé khoẻ mạnh hay ăn chóng lớn là được.

Theo lệnh mẹ, Chu Quy Lai lập tức khởi hành ngay không dám chậm trễ. Hai ngày sau cậu quay về, còn mang theo một bộ sườn xám tuyệt đẹp nói là dì Tiết gửi tặng mẹ.

Nhận được quà, Lâm Thanh Hoà liền gọi điện cho Tiết Mỹ Lệ khen ngợi không ngớt: “Công nhận em có mắt thẩm mỹ thật đấy, bộ sườn xám phải nói là quá đẹp!”

Đầu dây bên kia, Tiết Mỹ Lệ vui vẻ cười vang: “Không phải do em đâu, dáng người chị đẹp mặc cái gì lên cũng đẹp mà. Vả lại nhờ thần thái và khí chất của chị mới làm bật lên vẻ thướt tha, quyến rũ của bộ sườn xám.”

Được khen, Lâm Thanh Hoà thích thú cười tít cả mắt, sau đó cô liền hỏi sang chuyện của Chu Ngũ Ni.

Tiết Mỹ Lệ nghĩ sao nói vậy: “Chắc con bé phải nghỉ hết năm nay rồi chị ạ. Có nhanh lắm cũng phải đợi tới đầu xuân sang năm, thằng cu con biết ăn dặm thì mẹ mới đi làm được.”

Tính ra Tiết Mỹ Lệ chỉ là bà họ nhưng còn tốt gấp trăm lần bà nội ruột. Thi thoảng, cô ấy sẽ hầm canh lợi sữa cho Ngũ Ni hoặc lâu lâu sẽ tới phụ giúp chăm nhóc con. Chứ bà nội của thằng bé thì chán lắm, chỉ chăm chăm xem có đồ gì tốt là trộm về nhà mình thôi, chẳng quan tâm để ý gì tới cháu nội cả.

Trò chuyện chán chê với Tiết Mỹ Lệ, Lâm Thanh Hoà lại đánh thêm một cuộc về quê để buôn bán tiếp cùng chị ba Chu.

Và tất nhiên, chủ đề vẫn xoay quanh mẹ con Chu Ngũ Ni.

Qua điện thoại, chị ba Chu không giấu được vẻ hụt hẫng: “Haizz, cho con gái lấy chồng xa, bây giờ muốn gặp cũng khó khăn quá thím ạ.”

Dẫu biết Thượng Hải là thành phố lớn, Khương Hằng cũng là người chồng người cha có trách nhiệm nhưng chị ba Chu vẫn cảm thấy luyến tiếc vì không thể đến thăm con gái và cháu ngoại thường xuyên. Hiện giờ công việc của nhà chị rất bề bộn, anh ba phải đi đánh hàng từ tờ mờ sáng, bọn trẻ thì bận bù đầu bù cổ với sách vở trường lớp, nếu chị không ở nhà lo bán buôn thì ai làm bây giờ? Nói chung trăm dâu đổ đầu tằm, không tài nào phân thân ra mà đi được.

Lâm Thanh Hoà an ủi: “Bên đấy hai vợ chồng nó tự sắp xếp được, với lại cũng có người này người kia trợ giúp, chị cứ yên tâm.”

Thì cũng phải chịu như vậy chứ biết làm sao bây giờ, chị ba Chu cười cười rồi chuyển qua chuyện Chu Lục Ni.

Cuối cùng thì ngày hôm qua nó cũng chịu xuất đầu lộ diện. Lần này trở về coi bộ khác dữ lắm, dẹo qua dẹo lại trên đôi giày cao gót lênh khênh, cái môi đánh đỏ chót như hai miếng thịt bò, trên vai còn điệu đà khoác thêm một cái túi xách thời trang nữa chứ.

Lâm Thanh Hoà nhướng mày hỏi: “Nó phát tài rồi à?”

Chị ba Chu lắc đầu ngao ngán: “Chả biết phát tài tới đâu nhưng đàn bà con gái trang điểm lố lăng như vậy chỉ tổ thiên hạ chê cười chứ béo bở gì.”

Tuy rằng đã sắp bước sang thập niên 90 nhưng tư tưởng của người dân ở vùng thị trấn thôn quê vẫn tương đối bảo thủ. Chu Lục Ni ăn vận lồng lộn, trang điểm loè loẹt như thế không bị người ta chỉ trỏ đàm tiếu mới là lạ. Hơn nữa nó đã có sẵn tai tiếng thị phi, vậy nên chẳng thiếu người thì thầm đoán già đoán non liệu rằng có phải nó ở bên ngoài hành nghề không đứng đắn?!

Tiếng lành đồn gần tiếng xấu đồn xa, chẳng mấy mà những lời xì xào bàn luận thổi tới tai anh hai Chu. Anh giận dữ đùng đùng, bắt Lục Ni ném hết quần áo giày cao gót, đồng thời tẩy ngay cái gương mặt xanh xanh đỏ đỏ như đít khỉ này đi. Thế nhưng còn lâu Chu Lục Ni mới chịu, nó cãi bay cãi bướng đây là mô-đen, là thời thượng, chẳng qua cái đám quê mùa nghèo khổ không biết thưởng thức nên mới chê bôi thôi!

Ôi giời, ai muốn nói sao thì tuỳ, nó không rảnh quan tâm, lần này về đây có chuyện quan trọng hơn cần giải quyết đó chính là giành lại quyền nuôi con. Đời trước vì để con lại cho nhà nội nuôi dưỡng nên thằng nhỏ mới trở thành một kẻ lưu manh đầu đường xó chợ. Đời này, ba anh em Chu Khải, Chu Toàn, Chu Quy Lai có thể một bước lên mây, thành rồng thành phượng, thì tại sao con nó lại không?

Nghĩ như vậy, Chu Lục Ni quyết định đập mười ngàn vào mặt nhà chồng để giành lại đứa con. Tuy nó chưa biết sẽ phải dạy dỗ ra sao để con mình thành ông nọ bà kia nhưng trước mắt nó có tiền, ít nhất cũng có thể chu cấp cho thằng bé một cuộc sống đủ ăn đủ mặc.

Vốn đang định đưa con trai đi theo thì Chu Lục Ni tình cờ phát hiện ra cuối năm nay cha sẽ lên Bắc Kinh làm việc. Tức thì, kế hoạch trong đầu Chu Lục Ni xoay chuyển 180 độ. Nó đưa cho cha 5000 đồng rồi gửi gắm thằng bé nhờ ông ngoại trông nom giúp.

Thú thực, cho tới giờ phút này, Chu Lục Ni vẫn không tài nào lý giải nổi. Rõ ràng ở kiếp trước, gia đình chú thím tư bê bết thảm hại không ngóc đầu lên được, thế mà kiếp này lại có sự chuyển mình ngoạn mục tới như vậy. Cuối cùng huyền cơ nằm ở đâu nhỉ?!

Thôi kệ, vấn đề ở đâu không quan trọng, cứ gửi thằng bé lên Bắc Kinh đã, biết đâu cũng dính được tí phúc khí, có cơ hội đổi đời thì sao?!

Anh hai Chu tức muốn điên với cái con Lục Ni này. Khổ vì nó chưa xong, giờ lại phải lo cho cả con trai của nó nữa hả?! Nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy tội nghiệp thằng bé. Để ở nhà với bố và ông bà nội thì chẳng khác gì thằng ăn mày, còn cho theo con mẹ nó thì đảm bảo không có tương lai tươi đẹp rồi. Thôi thì, người làm ông ngoại này đành cố gắng vậy!

Thế là anh hai Chu bấm bụng gọi điện lên Bắc Kinh, trình bày với thím tư.

Nghe xong, Lâm Thanh Hoà gật đầu ngay: “Vâng, anh cứ đưa nó lên đây đi.”

Sở dĩ cô thoải mái nhận lời là vì nể mặt anh hai Chu. Thế nhưng chỉ một lần này thôi, đảm bảo không có lần thứ hai.

Nghe được câu đồng ý của thím tư, anh hai Chu nhẹ nhàng thở phào một hơi. Tốt rồi, đưa nó lên Bắc Kinh nhờ bà tư dạy dỗ chỉ bảo, chắc chắn thằng bé sẽ ngoan ngoãn, nên người!

Còn về phần Chu Lục Ni, trước giờ nó vẫn sống vô trách nhiệm như vậy, ném con cho cha xong là lại quẩy đít bỏ đi mất tăm. Mọi người chỉ biết là nó đi làm ăn, còn lại đi phương nào, làm ngành nghề gì thì không ai rõ.

Mấy tháng sau, thu hoạch xong vụ thu, anh hai Chu lập tức gọi điện lên Bắc Kinh nhờ Chu Quy Lai về đón, chứ cả đời chỉ quanh quẩn sau luỹ tre làng chưa đi đâu xa nên anh mù tịt, chẳng biết đường đi nước bước thế nào.

Gì chứ việc này quá đơn giản, Chu Quy Lai mau chóng sắp xếp công việc rồi về quê đón cả hai ông cháu lên Bắc Kinh.

Và có thể nói, đây chính là cuộc hội ngộ lâm li, đẫm nước mắt nhất. Lúc nhìn thấy cha mẹ già, anh hai Chu oà khóc nức nở như một đứa trẻ. Tất cả những thống khổ, đau đớn, uất ức, tủi nhục… bị đè nén bao lâu nay bỗng chốc hoá thành nước mắt ào ạt tuôn trào như thác lũ…

Về phần con trai Chu Lục Ni, tên khai sinh của cậu bé là Chu Cẩu Tử. Nhưng Chu Lục Ni ghét bỏ cái tên này vừa xấu vừa không có khí chất nên tự ý đổi thành Chu Khang.

Từ bé sống trong cảnh cha không thương, mẹ không yêu, bị bạn bè chê cười bắt nạt nên lâu dần Chu Khang hình thành nên tính cách rụt rè, nhút nhát, sợ hãi tất cả mọi thứ.

Thế nhưng từ khi lên Bắc Kinh, được ăn ngon mặc đẹp, lại có nhiều người quan tâm, yêu thương nên cậu bé Chu Khang đã trưởng thành và đổi khác rất nhiều.

Còn Chu Lục Ni, chả hiểu loay hoay kiểu gì mà kiếp này nó lại tiếp bước con đường làm má mì của kiếp trước. Và cuối cùng, nó cũng không thoát được cái án tù chung thân.

Lúc hay tin mẹ gặp nạn, Chu Khang không quản ngại đường xá xa xôi, tức tốc bắt tàu bắt xe tới thăm mẹ.

Khi nhìn thấy con trai áo mũ chỉnh tề, mặt mũi sáng sủa khôi ngô, khác hẳn với bộ dáng lôi thôi lếch thếch của kiếp trước, Chu Lục Ni thầm cảm thấy may mắn vì năm đó đã quyết định gửi gắm con trai cho ông ngoại. Có lẽ, đó là quyết định sáng suốt và đúng đắn nhất trong cả hai kiếp người của Chu Lục Ni.

Nó biết, công lao này tất cả thuộc về người phụ nữ tên Lâm Thanh Hoà. Bởi trước đây, mỗi lần có thời gian rảnh rỗi, tính gọi về tâm sự cùng con trai thì đều nghe cha hoặc ông bà nội bảo Chu Khang ở bên nhà chú thím tư, còn vui vẻ khoe rằng thằng bé thích qua bên đó chơi lắm!

Có thể nói bà thím tư rất độc đoán, chuyên quyền, khiến người ta ghét cay ghét đắng nhưng phải công nhận một điều về phương diện dạy dỗ con trẻ thì không ai qua được thím ấy. Cũng may thím ấy rộng lượng, vị tha, không vì có thành kiến với nó mà giận cá chém thớt sang Chu Khang, vẫn bồi dưỡng dạy dỗ thằng bé nên người. Điều này, Chu Lục Ni xin được khắc cốt ghi tâm, hẹn kiếp sau nếu có cơ hội nhất định sẽ báo đáp!

===

Năm 1995, ông Vương thanh thản trút hơi thở cuối cùng, nhẹ nhàng tiễn biệt mọi người.

Đời này của ông có thể gói gọn trong bốn từ “khổ trước, sướng sau”. Tiền vận, trung vận chịu biết bao nhiêu oan sai, khổ cực, nhưng tới hậu vận lại được hưởng phúc con cháu. Tuy chỉ là con nuôi nhưng chúng chăm nom, quan tâm ông không khác gì người thân ruột thịt. Cứ thế, ông đã được sống những ngày tháng cuối đời vô cùng hạnh phúc và trọn vẹn nghĩa tình. Giờ đây ông có thể ngậm cười nơi chín suối, không còn điều gì phải hối tiếc nữa rồi.

Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông Vương đã sang tên căn tứ hợp viện cho Chu Thanh Bách, có bao nhiêu tiền mặt chia hết cho mấy đứa cháu nuôi, tất nhiên cũng không nhiều nhặn gì cho cam, mỗi đứa 5000 thôi, nhưng đó là toàn bộ tình cảm và tấm lòng của ông. Còn riêng Lâm Thanh Hoà, ông để lại cho cô chiếc nhẫn ngọc lục bảo, cũng chính là món đồ cổ mà ông trân quý nhất trong những năm tháng còn tại thế.

Ngoài ra, ông Vương cẩn thận lập một bản di chúc. Trong đó ông trịnh trọng tuyên bố lý do vì vợ chồng con nuôi cùng mấy đứa cháu đã có công phụng dưỡng lúc tuổi già sức yếu nên toàn bộ tài sản của ông đều để lại cho chúng thừa kế.

Ban đầu Lâm Thanh Hoà còn cười bảo ông thận trọng quá cần gì phải lập di chúc cho phiền hà nhưng mãi những năm về sau cô mới vỡ lẽ thì ra người già không bao giờ làm việc dư thừa.

Năm 2000, người con trai ruột của ông Vương cùng vợ và con từ hải ngoại quay về.

Thực ra hai người họ cũng phúc lớn mạng lớn, năm ấy vì giữa đường gặp bệnh nặng nên hai vợ chồng đã không bước lên con tàu định mệnh đó mà tá túc tại nhà một vị trung y. Một tháng sau, khi bệnh tình thuyên giảm, đôi vợ chồng mới lại cùng nhau tìm đường khác để vượt biên.

Bao nhiêu năm nay, có lẽ do linh cảm mách bảo nên ông Vương luôn nuôi dưỡng một niềm tin bất diệt rằng con trai mình chưa chết, nó chắc chắn vẫn còn tồn tại đâu đó trên cõi đời này. Vì vậy mặc dù sức khoẻ ngày một suy kiệt, ông vẫn cố gắng chống đỡ, kéo dài chút hơi tàn, mong một ngày cha con đoàn tụ. Nhưng thương thay sức đã cùng, lực đã kiệt, quỹ thời gian cũng đã hết, ông không thể gắng gượng thêm được nữa nên chỉ đành tiếc nuối buông tay.

Sở dĩ lập ra bản di chúc này là để đề phòng con trai và con nuôi sẽ nảy sinh xung đột. Đối với ông mà nói, con nào cũng là con, ruột hay nuôi thì đều yêu thương như nhau cả. Nhưng điều khiến ông đau đớn vô vàn là bao nhiêu năm qua, mặc cho ông chờ đợi trong mỏi mòn, nó vẫn bặt vô âm tín, một lá thư hồi âm hay một dòng tin báo cũng chẳng thấy đâu. Nếu không nhờ gia đình người con nuôi, thì chắc có lẽ ông đã chết trong cô đơn, lạnh lẽo từ lâu lắm rồi. Vậy nên, đứa nào có công thì đứa đó được hưởng. Ông quyết định để hết toàn bộ gia tài của mình cho vợ chồng Chu Thanh Bách cùng bốn đứa cháu.

Và không lấy gì làm lạ khi vợ chồng anh con trai cực lực phản đối bản di chúc này. Đùa à, một toà tứ hợp viện đáng giá cả đống tiền. Con ruột thì không cho tự dưng đem cho người ngoài, đúng là đồ điên! Hơn nữa, cuộc sống ở nước ngoài cũng lắm gian nan vất vả. Thế là bọn họ quyết tâm làm đơn thưa kiện gia đình Chu Thanh Bách lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nhưng rất tiếc, nhân chứng vật chứng đầy đủ rõ ràng. Bao nhiêu năm nay, họ thân là con trai trưởng, cháu nội đích tôn nhưng không hề thăm hỏi, phụng dưỡng ông cụ. Ngược lại, vợ chồng Chu Thanh Bách cùng mấy đứa cháu dốc lòng dốc sức chăm sóc, để ông được an hưởng tuổi già và ra đi trong thanh thản.

Thua cả tình lẫn lý, cuối cùng vợ chồng người con trai đành cụp đuôi, tiu nghỉ dắt díu nhau đi mất.

Kỳ thực cả Lâm Thanh Hoà lẫn Chu Thanh Bách đều không phải hạng người tham lam. Hơn nữa, đối với cơ ngơi của vợ chồng cô hiện nay, một toà tứ hợp viện không là cái gì cả. Nhưng điều đáng nói ở đây là thái độ của người con trai kia. Anh ta rất bất lịch sự, tự nhiên nhào tới giương cung bạt kiếm, đòi cướp đòi giết. Hừ, tử tế còn chẳng ăn ai nữa là hổ báo cáo chồn. Một khi người ta đã không đàng hoàng thì mình cứ căng luật mà làm thôi!

Còn ông bà Chu, vì thân thể khoẻ mạnh hơn ông Vương một chút nên có thể sống tới năm 2002, kịp chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của quốc gia cũng như sự thịnh vượng của dòng dõi nhà họ Chu.

Có thể nói, ông bà Chu đã sống một đời đủ đầy viên mãn. Đến giờ phút lìa trần, rất đông con cháu quy tụ về đây, khóc thương, tiễn biện ông bà đoạn đường cuối. Dẫu vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên không ai tránh khỏi nhưng chắc có lẽ hỷ tang như ông bà Chu đây thì không phải nhà nào cũng có được.

Một ngày qua đi trong chớp mắt, một năm như thoáng lạnh mùa thu, một đời chỉ ngắn ngủi trong hơi thở, khóc khóc cười cười một kiếp người cũng qua…Tuy biết rằng cha mẹ ra đi trong phúc thọ nhưng Chu Thanh Bách vẫn không tài nào nén được bi thương mất mát.

Thấy chồng sầu khổ héo hon, Lâm Thanh Hoà xót xa vô cùng. Thế là hơn một tháng sau, cô liền dẫn anh ra ngoài du lịch cho khuây khoả tâm trạng.

===

p/s: Chương này dài quá các bạn ơi, mình dịch tới giờ mới xong nè. Không biết có lên kịp chương nữa không, các bạn ngủ sớm đi nha, đừng chờ mình kẻo trễ. Nếu xong sớm mình sẽ post, còn không mình xin hẹn qua hôm sau nha. Yêu thương rất nhiều <3

Bình Luận (0)
Comment