Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 697: Phiên ngoại 3 - Chu Khải
19 tuổi, Chu Khải nhập ngũ. Trải qua con đường thăng quan tiến chức thuận buồm xuôi gió, tới năm 30 tuổi cậu vững vàng ngồi lên vị trí thiếu tá quân đội. Có thể nói Chu Khải chính là danh xứng với thực tuổi trẻ tài cao, tiền đồ vô hạn.
Nhưng không hiểu vì lý do gì, có một lần cậu gặp ác mộng kinh hoàng. Trong mơ, Chu Khải thấy mình trở thành một tên giang hồ xã hội đen, kéo theo hai thằng em đi làm chuyện phạm pháp. Thậm chí, Chu Khải còn thấy cả cảnh mình bị áp giải ra pháp trường xử bẳn. Lúc viên đạn vun vút bay tới suýt cắm thẳng vào ấn đường mới khiến Chu Khải bàng hoàng tỉnh giấc.
Dẫu biết chỉ là mơ nhưng hình ảnh quá mức chân thật khiến Chu Khải sợ toát mồ hôi.
Không lẽ đây là điềm báo về tương lai sắp tới? Không, không thể nào! Trước nay cậu luôn nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, sẽ không bao giờ có chuyện lầm đường lỡ bước, gây ra những hành động bất lương, trái pháp luật.
Thôi được rồi, là điềm báo hay lời cảnh tỉnh cũng được. Từ bây giờ cậu sẽ nâng cao tinh thần, nghiêm khắc quản giáo bản thân, luôn luôn nhắc nhở chính mình phải tỉnh thức mọi lúc mọi nơi, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Cuộc sống của Chu Khải cứ thế êm đềm trôi qua, thỉnh thoảng cậu vẫn gọi điện thoại giữ liên lạc với đám bạn cũ. Và một trong số đó là nam chính Hàn Húc Kiệt.
Sau khi được bà mối Lâm Thanh Hoà se duyên, Hàn Húc Kiệt và Chung Tình chính thức về một nhà. Hôn nhân của hai người họ hạnh phúc viên mãn vô cùng, hạ sinh một cậu con trai được người đời ca tụng là thiên tài.
Đây cúng chính là điều khiến Chu Khải hâm mộ không thôi. Kỳ thực thằng nhóc con nhà cậu không phải đứa ngu dốt, thậm chí rất thông minh lanh lợi là đằng khác nhưng khổ một nỗi nó toàn vận dụng tài trí vào mấy việc khiến người ta đau đầu, nhức óc thôi.
Ví dụ như từ lúc lên ba, nó đã bắt đầu có sở thích chọc chó ghẹo mèo. Tới năm năm tuổi, không một ai gọi nó bằng cái tên khai sinh Chu Câu nữa mà thay vào đó là biệt danh Tiểu Ma Vương khét tiếng nghịch ngợm. Chỉ cần nghe thấy tiếng bước chân của nó từ xa là chó mèo sợ vỡ mật vội vàng chạy tán loạn tìm chỗ trú ẩn. Và đến khi cu cậu lên bảy thì hỡi ôi, Ông Mỹ Gia và Chu Khải suốt ngày phải sang nhà hàng xóm cúi đầu nhận lỗi vì mấy trò quậy phá oái oăm của cậu quý tử nhà mình.
Thằng nhóc này không những nghịch ngợm mà còn lì lợm vô địch thiên hạ. Tới nỗi, một người điềm tĩnh như Chu Khải cũng phải rút dây lưng ra quất cho mấy phát.
Kỳ thực, Chu Khải rất bài xích việc giáo dục con trẻ bằng bạo lực. Hơn nữa, từ nhỏ đến lớn cha chưa bao giờ đánh mấy anh em cậu một roi nào nên Chu Khải đã tự hứa với lòng sẽ noi gương cha mình, trở thành một người ba hiền từ mẫu mực. Nhưng hiền với ai thì được chứ riêng với cái thằng oắt Chu Câu này thì không.
Công nhận khi còn nhỏ Chu Khải cũng là một siêu quậy nhưng dù gì cậu vẫn còn biết sợ. Nhớ có một đợt chẳng hiểu nghĩ thế nào mà nằng nặc đòi nghỉ học đi làm đồng. Thế là mẹ lập tức tạo điều kiện cho làm quen với cuộc sống người nông dân từ sớm. Ôi cái cảnh mình lủi thủi ngồi một góc gặm bánh bột bắp nhìn hai thằng em ăn cơm với thịt mà tủi thân dã man. Thế là sau lần ấy cậu không dám cãi lời nữa, mẹ nói gì là nghe theo răm rắp.
Rút kinh nghiệm từ bản thân, Chu Khải cũng áp dụng cách này để nghiêm trị Chu Câu. Nhưng rất tiếc, thằng bé ngậm thìa vàng sinh ra, không hề thiếu ăn thiếu mặc nên hiển nhiên phương pháp này vô dụng.
Răn đe, nịnh nọt, bắt nhịn đói, cắt tiền tiêu vặt…tất cả đều thử qua hết rồi nhưng cũng đành bó tay mà thôi! Cực chẳng đã, Chu Khải đành phải dùng đến đòn roi. Nhưng hình như càng đánh thì xương cốt của thằng nhóc này càng cứng, nó càng lì đòn thì phải. Cuối cùng, Chu Khải chỉ còn nước gửi con về Bắc Kinh, nhờ bà nội dạy giúp.
Tiểu Ma Vương Chu Câu vừa đi một cái, cả doanh trại như được thổi một luồng sinh khí mới, chó mèo tự do đi lại, vui vẻ nô đùa hoặc thoải mái nằm ườn ra giữ sân phơi nắng.
Đón Chu Câu về đúng dịp nghỉ hè, thế là vợ chồng Chu Thanh Bách liền mang thằng cháu đích tôn đi du lịch một vòng. Bất ngờ thay, sau chuyến du lịch dài ngày, Chu Câu bỗng nhiên ngoan ngoãn hẳn ra.
Điều này dễ hiểu thôi, bởi vì ông bà nội hứa rằng nếu nó ngoan ngoãn, chịu nghe lời thì lần sau sẽ được đi chơi tiếp.
Mà Chu Câu uy tín lắm nha, đã hứa là sẽ cố gắng làm bằng được. Học kỳ này nó chỉ đánh nhau có ba lần thôi, tính ra là đã có tiến bộ lắm rồi.
Thế là Chu Câu vui vẻ ở hẳn Bắc Kinh với ông bà nội. Thậm chí cậu nhóc chẳng lưu luyến ba mẹ tí nào. Hễ ai hỏi nó đều bảo thích ở thủ đô hơn vì ở đây có nhiều công viên giải trí, nhiều khu vui chơi, mùa hè sẽ được ông nội dẫn đi bơi lội, mùa đông thì được đi trượt tuyết. Nhưng nơi cu cậu mê hơn cả chính là nông trường Chu thị ở vùng ngoại ô. Mỗi dịp cuối tuần, nó và mấy đứa em họ sẽ được ông bà nội cho xuống đó chơi, đi cưỡi ngựa, cưỡi trâu, cưỡi dê. Ôi, bất kể con gì nó cũng đều được leo lên lưng ngồi vắt vẻo rồi, cảm giác thích lắm!
Cả một cái nông trường rộng lớn bạt ngàn như vậy mà ba anh em cứ chạy đuổi nhau từ sáng sớm đến tận tối mịt không biết mệt là gì.
Chơi vui quá cu cậu quên luôn cả ba mẹ. Nhiều lần vợ chồng Chu Khải gọi điện thoại về hỏi thăm, Chu Câu đáp tỉnh rụi: “Khi nào ba mẹ có thời gian thì về đây thăm con, chứ con không quay lại doanh trại đâu, ở trên đấy chán lắm!”
Mới tí tuổi đầu nhưng yêu ghét rất rõ ràng, cũng là một đứa trọng nghĩa khí, trọng lời hứa.
Thực tình mà nói Chu Câu không phải đứa trẻ hư, chẳng qua cha mẹ nó không dạy dỗ đúng cách mà thôi. Đấy, đưa về cho bà nội là đâu vào đấy ngay, nhẹ nhàng vui vẻ chẳng cần đánh mắng căng thẳng gì.
Thân là trưởng nam Chu gia, Chu Câu được bà nội dạy dỗ rất nghiêm khắc. Tất nhiên Lâm Thanh Hoà không gò ép nó vào bất cứ khuôn phép lễ giáo nào, cô vẫn để cho nó được tự do phát triển theo cá tính bản thân chỉ với một yêu cầu duy nhất đó là làm người ngay thẳng, biết phân biệt phải trái đúng sai.
Tất nhiên, Chu Câu sợ bà nội kinh khủng, bởi vì nó biết ở trong nhà bà nội là to nhất, lời nói của bà nội có uy lực nhất. Nếu nó không nghe lời chắc chắn sẽ bị cắt suất du lịch, cuối tuần cũng không được xuống nông trường trèo cây, nghịch đất. Cho nên trước mặt Lâm Thanh Hoà, Chu Câu không bao giờ dám làm nũng mè nheo.
Nhưng đối với Chu Thanh Bách thì khác. Có thể nói hai ông cháu hợp nhau cực kỳ. Ngày nào đi học về thằng bé cũng quấn lấy chân ông nội, đòi ra vườn dạy đám vẹt tập nói.
Chu Thanh Bách chiều Chu Câu lắm, chiều hơn ba thằng Oa hồi còn bé nhiều. Thế nên không ít lần Lâm Thanh Hoà phải ngầm cảnh cáo chồng không được nuông chiều nó nữa. Nhưng Chu Thanh Bách chỉ cười xoà cho qua rồi lại đâu vào đấy.
Mà không chỉ một mình Chu Thanh Bách đâu, cả ông bà Chu bên kia cũng cưng Chu Câu như trứng mỏng. Chả là lúc thằng bé bị đưa về Bắc Kinh thì hai cụ vẫn còn sống, thế là có đồ gì ngon ông bà đều cất lên để dành cho chắt nội. Chẳng những thế lại còn suốt ngày không tiếc lời khen ngợi nó đáng yêu, kháu khỉnh giống y như thằng cha nó hồi nhỏ.
Nghe được điều này, Chu Câu len lén bĩu môi, ba phát xít bỏ xừ, nó ứ thèm giống ba đâu, giống ông nội cơ!
Vậy là Chu Câu ở tịt thủ đô, vui vẻ sống với ông bà, ăn cơm nhà ông bà và cứ thế lớn nhanh như thổi. Mới học tới cao trung thôi mà cu cậu đã cao 1m85 rồi. Cộng thêm gen di truyền của ba mẹ nó thì có khi phải vượt mét chín không biết chừng.
Dưới sự dìu dắt chỉ dạy của Lâm Thanh Hoà, Chu Câu càng lớn càng hiểu chuyện. Nó rất hiếu thuận và cực kỳ ra dáng trưởng tử Chu gia.
Hồi còn bé được ông bà dắt đi chơi đó đây, tới khi trưởng thành nó liền xung phong hộ tống ông bà đi thăm thú cảnh đẹp khắp mọi nơi. Đương nhiên chuyến du lịch không bao giờ thiếu sự tham dự của mấy đứa em nhà chú hai và chú ba.
Vì mang thân phận anh cả nên Chu Câu luôn quan tâm, chăm sóc và lo lắng cho các em. Mỗi lần mấy anh em có dịp tụ tập ra ngoài ăn nhậu, chơi bời là các em cứ thoải mái bung xoã, việc trả tiền đã có anh lo!
Cuối cùng, Tiểu Ma Vương Chu Câu tiếp bước cha, đi theo con đường quân sự.
Với tài năng và bản lĩnh của nó, chắc chắn sau này sẽ đủ sức gánh vác đại gia đình Chu gia, giúp dòng họ Chu ngày càng phát dương quang đại, giàu mạnh phồn vinh!