Nhưng nếu làm theo kế hoạch của Triệu Trân Trân thì Công đoàn của bọn họ chắc chắn sẽ trở thành tiêu điểm của thầy trò toàn trường rồi. Chủ tịch Lý cũng đã không làm chuyện nở mặt nở mày như thế này từ rất lâu rồi.
Thật ra Triệu Trân Trân cũng không gấp lắm. Chủ tịch Lý còn có thời gian của cả một kỳ nghỉ để suy nghĩ mà, thông suốt hết rồi thì càng tốt. Mà nếu vẫn còn chưa suy nghĩ xong thì cũng không cần gấp gáp, cứ thực hiện trước rồi lại từ từ mà nghĩ tiếp.
Công việc của Công đoàn trường học đúng là đã giao cho Vương Văn Quảng, nên Triệu Trân Trân trực tiếp nói thẳng ra cả kế hoạch của mình cho Vương Văn Quảng, mong anh sẽ ủng hộ cô.
Vương Văn Quảng cũng không phải là không quan tâm đến chính trị, sáng hôm qua chẳng phải còn vừa thảo luận xong với Ngô Khải Nguyên đó sao.
Trước khi Ngô Khải Nguyên lên chức phó hiệu trưởng, ông ấy là chủ nhiệm khoa Lịch sử của Đại học Bình Thành. Những người nghiên cứu lịch sử nghiễm nhiên cũng sẽ quan tâm tới các vấn đề thời sự. Sở thích thường ngày của phó hiệu trưởng Ngô là đọc kỹ tất cả các mặt báo, nhất là đối với những gì ông hứng thú gần đây. Tuy nhiên, ở nhà hai người Ngô Thanh Phương lại không quan tâm tới chính trị. Ở trường, ông là một phó hiệu trưởng, bình thường công việc rất bận, cũng không tuỳ tiện nói chuyện với giáo viên khác về chuyện này. Bởi vì ông chỉ có quan hệ tốt với Vương Văn Quảng, bây giờ văn phòng của hai người lại ngay cạnh nhau, trao đổi cũng thuận tiện hơn.
Thường xuyên qua lại, dưới sự ảnh hưởng của Ngô Khải Nguyên, Vương Văn Quảng cũng bắt đầu nghiêm túc đọc báo. Chưa kể, anh còn thực sự tìm thấy một số ý nghĩa không tầm thường.
Lúc này, Triệu Trân Trân đưa cho anh kế hoạch công tác của Công đoàn, nhưng sau khi vội vã xem xong, Vương Văn Quảng đã rất ngạc nhiên.
Anh chỉ biết trước đây vợ mình là chủ tịch Công đoàn, yêu thích ngữ lục, thậm chí còn thuộc luôn cả quyển sách. Nhưng anh vẫn cho rằng đây chỉ là bề ngoài mà thôi, chứ Triệu Trân Trân cũng không có hiểu gì về chính trị cả.
Bản kế hoạch làm việc này chỉ có hai trang mỏng, trang đầu tiên chỉ có ba mục.
Đầu tiên là toàn thể cán bộ Công đoàn đề nghị nhà trường giao thêm công việc. Hiện tại công việc vốn là của Công đoàn lại do các bộ phận khác đảm nhận, đây là lỗi sai nghiêm trọng của toàn nội bộ. Làm việc thì không được ngại mệt mỏi, không chọn nhẹ sợ nặng. Toàn bộ đồng chí đối với sự việc lần này đã tiến hành tự phê bình sâu sắc.
Thứ hai, Công đoàn cũng đang lên kế hoạch làm một cuốn tạp chí để công khai các chính sách mới nhất của Đảng và Chính phủ, đồng thời nêu gương các cán bộ và hành động tiến bộ trong nhà trường.
Thứ ba, tuy thời kỳ khó khăn nhất đã qua nhưng tình hình đất nước vẫn còn khó khăn, kinh phí của nhà trường cũng có hạn, nhiều chỗ cần tiền thì phải chắt chiu từng đồng. Vì vậy, Công đoàn của họ chủ động xin giảm một nửa kinh phí từ năm sau.
Với tư cách là phó hiệu trưởng mới được bổ nhiệm, Vương Văn Quảng nhìn thấy bản kế hoạch thì rất vui mừng, đặc biệt là mục cuối cùng rất đúng ý anh. Công đoàn là bộ phận rất khiêm tốn, lại có ý thức tự giác cao như vậy, nếu các chủ nhiệm của các khoa khác cũng như vậy thì tốt biết mấy!
Vậy thì không cần phải nghĩ cách chia tiền làm sao cho công bằng tuyệt đối nữa rồi!
Nhưng khi nhìn đến trang thứ hai thì Vương Văn Quảng lại không cười nổi nữa.
Nội dung của trang thứ hai cũng không nhiều, chủ yếu là giới thiệu chi tiết về tạp chí. Tạp chí được chia làm ba phần, phần thứ nhất là giới thiệu chính sách mới nhất, sẽ lựa chọn ra hai đến ba bài báo mới nhất. Phần thứ hai là một chuyên mục trưng cầu, chủ đề mỗi số đều khác nhau, chủ đề đầu tiên là “Tôi giản dị tiết kiệm như thế nào?”. Phần thứ ba là phỏng vấn nhân vật, nhìn chung đều là những người ủng hộ lối sống của giai cấp vô sản, chấm dứt tình trạng lãng phí và tận dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên dồi dào khác. Đối với những người có chức vụ không cao và bị giới hạn, có thể là sinh viên hoặc giảng viên.