Triệu Trân Trân nhìn thẳng vào hai mắt anh ta, nói: “Thầy Lâm, có lẽ thầy cho rằng tôi không hiểu tình trạng và hoàn cảnh của thầy, có điều tôi cũng muốn nói một câu. Một khi đã bước lên con đường này thầy sẽ không thể quay lại được nữa, thầy chỉ có thể tiếp tục viết, hơn nữa cấp trên muốn gì thầy phải viết cái đó.”
Mấy ngày nay sau khi được chuyển từ nông trường tới trường học, vì giáo trình của khối trung học quá đơn giản với Lâm Hàm nên ngoài việc chuẩn bị bài giảng ra anh ta còn rất nhiều thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ tới thời cục. Trường Tiểu học nông trường mới thành lập, các phương diện đều chưa hoàn thiện, trường không có phòng đọc sách và thư viện, tạm thời mới chỉ treo một bản báo chiều Bình Thành. Mỗi ngày Lâm Hàm đều sẽ tỉ mỉ đọc đi đọc lại vài lần, ngoài ra anh ta còn tới công xã Anh Đào mượn báo về xem.
Nói chung, trong thời gian rất ngắn anh ta đã hiểu được thời cục bây giờ.
Trước đây do được hiệu phó Ngô che chở, anh ta và Ngô Thanh Phương giống như sống trong tháp ngà, bây giờ cũng đã đến lúc bọn họ phải tự lo cho cuộc đời mình.
Anh ta gật đầu không chút do dự.
Có điều lần này Triệu Trân Trân không thông qua trưởng ban Trương mà trực tiếp gửi tới tòa soạn với danh nghĩa trường tiểu học nông trường.
Bài viết thứ năm của Lâm Hàm thành công đăng lên báo chiều Bình Thành đã thu hút sự chú ý của trưởng ban Trương, có điều xét thấy Lâm Hàm là người của Đại học Bình Thành từng bị phạt tới nông trường, thân phận này rất đặc thù. Tổ dự án của Vương Văn Quảng đã cống hiến nhiều cho xã hội nhưng thị trưởng Trần cũng không thả bọn họ ra ngoài là một ví dụ.
Lâm Hàm chẳng qua cũng chỉ viết được vài bài viết, lại càng không dễ được trọng dụng.
Tuy công việc viết lách vừa tốn thời gian vừa tốn sức lực, còn luôn phải viết những quan điểm trái với lương tâm, nhưng so với những cực khổ anh ta đã phải chịu khi bị phạt lao động ở nông trường thì hoàn toàn chẳng là gì. Lâm Hàm kiên trì cứ hai tuần lại viết một bản thảo, đương nhiên không phải tất cả bản thảo đều có thể đăng lên báo, chỉ khoảng một nửa là được đăng thành công. Bỗng một ngày Triệu Trân Trân mang tới một chủ đề yêu cầu anh ta viết trong thời gian ngắn.
Lâm Hàm vẫn luôn chờ ngày này.
Sau khi tham gia học tại trường học nông trường, Kiến Dân, Kiến Quốc và Kiến Xương đều nhanh chóng thích nghi với môi trường trong trường học. Kiến Dân và Kiến Quốc vốn dĩ đều học giỏi, thế giới của trẻ nhỏ và người lớn không giống nhau, thường thì rất là thực tế nên những đứa trẻ học giỏi thường rất được mọi người yêu quý. Vương Kiến Dân và Vương Kiến Quốc đều được chọn làm lớp trưởng.
Từ nhỏ Vương Kiến Dân đã quen làm lớp trưởng, còn Kiến Quốc là lần đầu tiên, thế nên thằng bé cực kỳ nghiêm túc, ngày nào tan học cũng kể với mẹ về chuyện trên lớp.
Vương Kiến Xương cũng biểu hiện vô cùng ưu tú, nội dung học của lớp một về cơ bản thằng nhóc đã học qua, lần nào thi cũng dễ dàng đạt điểm 100. Hơn nữa điều khiến các bạn khác ngạc nhiên là khả năng hội họa của thằng nhóc. Bạn cùng bàn của Kiến Xương là một cô bé hay nói chuyện, không chỉ nói nhiều mà còn thích ăn vặt.
Kiến Xương cho cô bé xem quả táo xanh mình vẽ, cô bé vừa nhìn là chảy nước miếng, cô bé tới nông trường cùng cha mẹ từ năm kia, đã lâu lắm rồi không được ăn táo.
“Vương Kiến Xương, nhà bạn có táo không?”
Vương Kiến Xương lắc đầu, lần gần nhất thằng nhóc được ăn táo là tết Trung Thu, cũng đã rất lâu rồi, mẹ cậu bé nói hiện tại nhà nào cũng đang thiếu ăn, ngay cả bánh bao trắng cũng không có mà ăn. Lúc đó mẹ còn lấy ra một chiếc bánh bao ngô cho bọn họ xem, nói đó là thứ cha ăn ở nông trường.
Bởi vì tò mò, bốn đứa trẻ đều ăn thử.
Bánh bao ngô vừa khô vừa cứng, không chỉ khó nuốt mà mùi vị còn rất kỳ lạ.