Nếu có một em khóc cần nhanh chóng bế tới chỗ tách biệt để dỗ dành, cách này cũng coi như có hiệu quả, nhưng ngày nào cũng vẫn có không ít đứa trẻ khóc nháo.
Ngô Thanh Phương không biết làm thế nào với khối mầm non, cô ấy và các giáo viên dưới trướng cũng giống nhau mỗi ngày mò đá qua sông. Ngô Thanh Phương cảm thấy chỉ dựa vào suy xét của mình là không đủ, thế là vội tới hỏi thăm hai trường mầm non khác trong công xã, nhờ đó cô ấy được dẫn dắt. Ngô Thanh Phương quyết định trang trí lại mấy phòng học của khối mầm non, còn viết một tờ trình xin kinh phí mua đồ dùng, chủ yếu là định mua một ít đồ chơi và sách cho trẻ em.
Lúc nộp cho Triệu Trân Trân cô ấy còn hơi thấp thỏm vì cảm thấy mình đã không hoàn thành công việc còn ngửa tay xin tiền, nhưng cô ấy không ngờ Triệu Trân Trân lại nhanh chóng thông qua khoản tiền này.
Thật ra rất nhiều người không biết trường Tiểu học nông trường không chịu sự quản lý của nông trường mà được xây dựng bởi chính phủ, vậy nên mỗi năm trường đều được phụ cấp về tài chính. Khoản tiền này không nhiều so với các trường khác nhưng tuyệt đối không ít. Một ưu điểm khác nữa là các giáo viên của trường không có lương nên đương nhiên không có thưởng cũng như các loại phúc lợi, vô hình chung tiết kiệm được một khoản không nhỏ. Đây cũng là lý do vì sao Triệu Trân Trân dám mở thêm khối mầm non.
Học sinh khối mầm non đều quá nhỏ, buổi trưa không thể quay về nông trường nên được ăn ở nhà ăn của trường học. Thức ăn của chúng không giống với người lớn, mà là bánh bao trắng, thỉnh thoảng còn có trứng luộc. Cơm trưa của trẻ em khối mầm non là miễn phí, khoản này một năm tích lại cũng không hề ít.
Ngô Thanh Phương không chỉ mua thiết bị mà cô ấy còn biết một ít về múa hát, một giáo viên khác cũng có khả năng hát nên hai người bọn họ chọn một bài hát thiếu nhi để dạy cho các giáo viên còn lại. Bọn họ còn sáng tạo ra không ít trò chơi thú vị, như vậy các bé đến trường sẽ chơi cùng các bạn khác. Sau đó sẽ được cô giáo hướng dẫn chơi đồ chơi, đọc truyện. Buổi trưa ăn cơm xong sẽ đi ngủ, chiều thì được cô giáo dạy hát hoặc múa,... Cứ như vậy, về cơ bản một ngày đã qua đi, chẳng mấy chốc đã không còn tình trạng các bé khóc nháo nữa.
Hiện này mỗi ngày đi học Kiến Minh đều vui vẻ vô cùng!
Từ nhỏ đứa trẻ Vương Kiến Minh đã tỏ ra rất thông minh, biết nói sớm, năng lực biểu đạt cũng rất mạnh, nhưng ngoài những điều này ra thì chẳng còn gì đặc biệt cả.
Kiến Minh biết nói từ hồi một tuổi, hiện tại cậu nhóc đã hơn ba tuổi. Hai năm này có quá nhiều chuyện xảy ra, trong đó nhà bọn họ đã sống một năm rưỡi ở huyện Huệ Dương. Vương Văn Quảng đi vắng, một mình Triệu Trân Trân phải chăm sóc cho bốn đứa con, ngoài ra cô còn phải đi làm nên cũng không thể chăm sóc các con quá kỹ lưỡng. Cô luôn cảm thấy Kiến Minh còn nhỏ, hồi Kiến Xương lớn bằng cậu nhóc đến nói còn không giỏi, vậy nên Triệu Trân Trân chưa từng dạy thêm gì cho cậu nhóc. Có điều những lúc ở cùng các anh, Kiến Minh cũng học theo không ít. Duy chỉ có môn vẽ do Kiến Xương dạy là Tiểu Kiến Minh không hứng thú, suýt chút nữa đã vứt hết tranh của anh đi.
Vậy nên, thiên phú của Kiến Minh không biểu hiện ra ngoài. Nhưng sau khi đi học ở lớp mầm non, giáo viên phụ trách lớp của Kiến Minh là một người phụ nữ trung niên tên Lương Chiêu Đệ. Bà vốn là giáo viên môn ngữ văn của trường trung học số một Bình Thành, rất giỏi về thơ cổ. Ngày thường bà hay dạy các bé một ít thơ cổ, phần lớn các bé đọc vài lần đều không có phản ứng gì, chỉ có duy nhất Kiến Minh có thể đọc thuộc được bài thơ!
Lương Chiêu Đệ cũng thích học sinh thông minh giống như những giáo viên khác, đặc biệt là những em bé không chỉ thông minh mà còn rất ngoan ngoãn giống Kiến Minh.