Nghiêm túc mà nói Triệu Trân Trân là một người mẹ không hề thiên vị, bốn đứa trẻ đều lần lượt được thử, đến cả đứa bé nhất là Kiến Minh cũng không có may mắn thoát khỏi.
Lúc sắp sang tháng mười hai, ban khoa học kỹ thuật của nông trường nhận được thông báo rằng trong thành phố, yêu cầu tất cả thành viên nhất định phải nộp một bản luận văn dài không dưới năm mươi nghìn chữ trước tết Nguyên Đán.
Thực ra người của tổ dự án vốn dĩ đều đang lo việc của luận văn, nhưng mặc dù việc mở rộng công việc trong phạm vi toàn thành phố cơ bản đã kết thúc rồi, thì cũng còn một vài nơi tình hình địa thế khá phức tạp, hoặc là gặp khó khăn thực tế khác. Khi đó, ban khoa học kỹ thuật bọn họ sẽ nhất định điều người đi thực tế chỉ đạo công việc canh tác đất đai, việc này đã chiếm một phần nhất định về nhân lực và thời gian rồi. Bởi vậy tiến trình viết luận văn bị chậm, bây giờ lại có thông báo, tất cả mọi người đều thấy áp lực, đặc biệt là tổ trưởng Vương Văn Quảng.
Anh cảm thấy việc cần phải làm đầu tiên là phải đảm bảo rằng đề tài của mỗi người là không giống nhau. Nếu như hai người cùng chọn cùng một đều tài, luận văn viết ra lại có khác biệt trình độ quá lớn, vậy một trong hai người sẽ khó lòng chịu nổi.
Mặc dù đã lường trước được việc có người bị trùng chủ đề, nhưng điều khiến anh ngạc nhiên đó là, trong hai mươi mấy người, hai người một tổ, vậy mà bốn tổ trong đó có chủ đề hoàn toàn giống nhau.
Vốn dĩ dự án có tính hạn chế rất lớn, để mà tìm một đề tài hay cũng không phải điều dễ dàng. Cái này để cho ai, không nên để cho ai đều phải có lí do và minh chứng khách quan mới được, nếu không luận văn còn chưa kịp viết ra thì mấy người này đã cãi nhau rồi.
“Văn Quảng, cậu có việc thì cứ về đi.”
Mặc dù Ngô Khải Nguyên không phải là người bên chuyên ngành nhưng dù gì cũng là người có kinh nghiệm, bài luận văn được giao lên đều là thông qua ông ấy trước. Nếu bài quá kém thì sẽ bị hủy luôn, còn bài sau khi được thông qua xét duyệt lần đầu tiên thì mới có đủ tư cách để đưa đến chỗ Vương Văn Quảng hoặc là hiệu phó Lương để tiếp tục phê duyệt.
Vương Văn Quảng đứng dậy nhìn ra bên ngoài, trời vừa mới tối chứ thực ra vẫn còn khá sớm. Thế nhưng bởi vì công việc dạo gần đây quá bận rộn, đã mấy lần liền cuối tuần đều về rất muộn, thế nên Kiến Xương và Kiến Minh đã có ý kiến với chuyện đó rồi, vậy nên anh cười nói: “Chú Ngô, chú cũng không cần thức quá khuya đâu.”
Ngô Khải Nguyên gật gật đầu.
Trừ lúc mới vào đông có một trận tuyết ra, Bình Thành cũng chẳng có tuyết lần nào nữa, gió từ phương Bắc thổi vù vù, thời tiết thì lạnh lẽo, Vương Văn Quảng bọc mình trong áo bông rồi rảo bước về nhà.
Cửa lớn chỉ khép hờ nên Vương Văn Quảng chỉ cần đẩy nhẹ là có thể vào nhà rồi.
Từ ngoài sân đã có thể nghe thấy tiếng cười của Triệu Trân Trân, còn có tiếng nói chuyện của Kiến Xương và cả tiếng của một người đàn ông lạ.
Trong lòng anh nặng trĩu nhưng vẫn gọi với chất giọng như bình thường: “Trân Trân, anh về rồi đây.”
Kỹ thuật ấn huyệt cho trẻ của Triệu Trân Trân cố gắng luyện được hơn một tháng, cuối cùng cũng học được sơ sơ. Buổi tối ngủ Kiến Dân với Kiến Quốc tranh cái chăn nên hai anh em bị lạnh, sáng dậy hơi đau đầu nghẹt mũi nên Triệu Trân Trân thử ấn huyệt cho hai con trai, không ngờ được thực sự có hiệu quả.
Kiến Dân và Kiến Quốc cũng cảm thấy tốt hơn rồi.
Hà Khánh Hải không ngờ cô học được nhanh thế nên dùng ngữ điệu rất khoa trương để khen học trò của mình, khiến Triệu Trân Trân và mấy đứa trẻ đều cười phá lên.
Vương Kiến Xương nghiêng đầu ngây thơ hỏi: “Mẹ ơi, nếu sau này con bị ốm thì có phải không cần đi bệnh viện nữa không?”
Triệu Trân Trân đang muốn trả lời thì nghe thấy giọng của chồng mình gọi.