Vào đầu tháng sáu, vụ thu hoạch lúa mì hàng năm bắt đầu!
Trong năm qua, mặc dù hạn hán ở Bình Thành rất nghiêm trọng, nhưng chương trình phổ biến cải tạo đất toàn thành phố và cải thiện hệ thống tưới tiêu của đất nông nghiệp đã giảm thiểu tác động của hạn hán đối với cây trồng, thậm chí ở một số nơi không những không giảm sản lượng mà ngược lại còn giúp làm tăng sản lượng.
Vụ thu hoạch lúa mì chưa bắt đầu, nhưng đứng trên cánh đồng lúa mì nhìn không thấy bờ, nhìn những bông lúa vàng ươm dưới nắng, nhiều người không khỏi phấn khích.
Sau khoảng một năm thiếu lương thực, tuy chưa có nổi loạn nhưng nhà nào cũng không đủ ăn, người lớn trẻ nhỏ đều phải chịu đói. Có thể nói trạng thái này đã đến hồi nỏ mạnh hết đà, nếu không được tiêm một mũi thuốc trợ tim thì rất có thể Bình Thành thực sự sẽ hỗn loạn giống như những nơi khác.
Không chỉ nông dân vui mừng, mà thậm chí nhiều người thành phố còn đặc biệt đến vùng ngoại ô để xem hoa màu.
Trong mắt họ, những bông lúa mì vàng óng là những chiếc bánh bao trắng, bánh nướng giòn và bánh quẩy bốc khói!
Đất canh tác của nông trường đã được khai hoang đến hàng chục nghìn mẫu, trong đó có năm nghìn mẫu lúa mì vụ đông. Sản lượng năm nay cao hơn năm ngoái, đạt tới hơn hai tạ trên một mẫu, vì vậy tổng sản lượng là hơn 1000 tấn, cộng với vụ thu hoạch mùa thu, đủ để cung cấp khẩu phần ăn cho mười lăm nghìn người.
Tính ra sẽ còn dư lại một lượng đáng kể.
Nông trường có thể có được thu hoạch như vậy khiến trưởng nông trường Vương rất hài lòng. Từ tháng mười một năm ngoái, phía trên đã cắt đứt toàn bộ cung ứng cho bọn họ, ngoại trừ lương thực thì ngay cả sinh hoạt phí cũng không có. Tình hình ở khắp mọi nơi cũng không khá hơn, đặc biệt là các cơ quan chính phủ cần xem xét nhiều yếu tố hơn, nhưng cụ thể đến lượt nông trường của họ thì tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều.
Như đã đề cập trước đó, nông trường là một vùng đất lệ thuộc, mặc dù thuộc quyền quản lý của Bình Thành, nhưng không trực địa chính của Bình Thành, mà thuộc tỉnh Ký. Nhưng vì phần lớn nông trường là đất nhiễm mặn, điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt, trong phạm vi mấy cây số xung quanh không có ngôi làng nào. Trên thực tế khai hoang khá khó khăn nên vẫn luôn duy trì trạng thái hoang vắng. Đề xuất thành lập nông trường là ý định của lãnh đạo cấp trên, tất cả kinh phí xây dựng nông trường cũng là nguồn tài chính đặc biệt. Ngay cả khi sau này xảy ra vấn đề thiếu vốn thì tỉnh Ký cũng lựa chọn phương án khoang tay đứng nhìn, ngược lại chính quyền thành phố Bình Thành đã tài trợ một số tiền đáng kể, nhưng theo đó thì ở nông trường thì tiếng nói của Bình Thành cũng lớn hơn nhiều so với tỉnh Ký.
Tỉnh Ký không góp tiền cũng không góp công sức, cũng không cảm thấy nông trường quan trọng cỡ nào, nhưng từ mùa thu năm ngoái khi nông trường được mùa bội thu đã có chút rục rịch rồi, nhưng vẫn muốn giữ thể diện nên không trực tiếp tới đòi lương thực.
Nhưng bây giờ thì khác.
Hạn hán ở tỉnh Ký nghiêm trọng hơn nhiều so với ở Bình Thành, thành phố vì thiếu lương thực nên nhiều người không mua được thức ăn, đói hoảng nên đập phá cửa hàng lương thực. Ngay cả khi Cục Công an trừng phạt nghiêm khắc những người có liên quan, nhưng những sự cố như vậy vẫn xảy ra lặp đi lặp lại. Bản chất sự việc đã rất nghiêm trọng rồi nên sự khủng hoảng mang lại là khôn lường.
Vốn dĩ đến vụ thu hoạch lúa mì tháng sáu, lẽ ra tình trạng thiếu lương thực đã được giải quyết rất nhiều, nhưng tỉnh Ký không tổ chức đội dự án cải tạo đất, càng không bỏ số tiền lớn ra để cải thiện hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Năng suất lúa mì vụ đông giảm xuống rõ rệt, sản lượng của mỗi mẫu chưa đến một trăm cân, các đội sản xuất khắp nơi đều báo cáo tình hình mất mùa.
Nói cách khác, lượng thuế lương thực nộp lên sẽ ít hơn nhiều so với những năm trước.
Kết quả là mặc dù vụ thu hoạch lúa mì đang đến gần nhưng tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng hơn.