Chương 189: Viết thư tố cáo 4
“Thúy Hoa, một đồng không đắt, chúng tôi cũng muốn may một cái.” Chỉ thấy có người lập tức học theo, chỉ cần đồng nghiệp mặc kiểu dáng nào đẹp chắc chắn sẽ có người đuổi theo không thể rớt lại.
Bọn họ là nhân viên bán hàng của hợp tác xã tiêu thụ cũng có thể mua được hàng nội bộ không cần phiếu, trong nhà cũng không thiếu vải.
Dương Thúy Hoa: “Được, nhưng tay nghề của người ta tốt, may chậm, vài ngày mới được một cái, các cô chỉ có thể xếp hàng thôi.”
Ngay tại trận đã có người cầm một xấp vải hơi đắt đỏ đưa cho cô ta, lại đưa thêm một đồng tiền, kêu cô ta giúp mình nhờ người đó may quần áo.
Dương Thúy Hoa sảng khoái nhận đồ: “Giống kiểu của tôi hả, yên tâm đi.”
Cô ta lại chủ động đo kích cỡ viết xuống rồi kẹp trong đống vải.
Buổi chiều tan làm cô ta chạy tới tìm Lâm Tô Diệp, vừa vặn Lâm Tô Diệp đang ở nhà giẫm máy khâu may áo cho cô út.
Trước đó đã may xong cho Lâm Thúy Hoa, bây giờ may cho cô út.
Lâm Tô Diệp thấy Dương Thúy Hoa ôm vải vui vẻ chạy qua đây: “Thúy Hoa?”
Dương Thúy Hoa: “Chị dâu, tôi có chị em cũng muốn làm cái áo giống như vậy, gửi cô tiền công một đồng.”
Lâm Tô Diệp vội vàng xua tay: “Không cần nhiều như vậy đâu, bảy xu là đủ rồi.”
Dương Thúy Hoa: “Không được, nhất định phải đắt, cô xem cô may khác với người khác, vừa tốn sức vừa tốn suy nghĩ.”
Lâm Tô Diệp cười bảo: “Cũng không mà, trong cổ áo và vạt áo tôi thêm ít vải cứng vào, khi cô giặt hơi để ý một chút, cọ nhẹ thôi đừng dùng sức cọ.”
Vải cứng chính là một ít vải vụn không có tác dụng gì dùng hồ quết một tầng, sau khi khô sẽ cứng lại có thể làm lót giày, gắn đế giày, may vào rồi không thể gỡ ra.
Lâm Tô Diệp cũng học được thứ này từ bà nội, có lúc hơi thiếu vải sẽ dùng giấy bìa cứng làm cho người ta.
Dương Thúy Hoa: “Hả, cô cũng đừng nói cho tôi nghe, đây là tay nghề độc môn của cô, không thể để người khác học được.”
Lâm Tô Diệp cười: “Tay nghề độc môn gì đâu, thợ may đều biết hết mà.”
Đương nhiên thợ may lớn đều không nỡ dạy cho đồ đệ, thường thì học ba năm cuối cùng mới dạy một bước cổ áo quan trọng nhất này.
Lâm Tô Diệp chỉ lấy bảy xu tiền, ba xu còn lại cho Dương Thúy Hoa tiêu.
Hiển nhiên Dương Thúy Hoa không chịu mà đưa một đồng cho cô, còn nói sau này tiếp tục giúp cô mua vải dệt thoi.
Lâm Tô Diệp nhìn bảng kích cỡ, hỏi Dương Thúy Hoa: “Chị em này của cô nửa người trên thì dáng nhỏ, ngược lại chân rất to đấy.”
Dương Thúy Hoa cười đáp: “Đúng, chân như bình hoa ấy.”
Lâm Tô Diệp lại hỏi cổ dài hay ngắn, mặt to nhỏ, tròn… sau đó căn cứ theo những thông tin này quyết định may kiểu gì.
Cuối cùng chị em này thích hợp với cổ tròn vì cằm cô ta nhọn, cổ thon dài, thân trên gầy, từ xương hông trở xuống lại thô, quyết định may cái áo hơi rộng cho cô ta, cổ tròn có thể hơi tăng cảm giác một chút.
Dương Thúy Hoa nghe cô nói rõ ràng mạch lạc: “Ôi chao, người chị em này cũng không tiêu phí một đồng này đâu, lời thật.”
Lúc này mọi người có ai chú trọng đến kiểu dáng chứ? Cũng không có sự lựa chọn, cho dù bạn cao thấp gầy béo đen hay trắng, tất cả đều là một kiểu như vậy.
Lâm Tô Diệp: “Thúy Hoa, cảm ơn cô, chuyện trước đây của chúng ta sớm đã sáng tỏ, cô không cần ngại nữa đâu.”
Dương Thúy Hoa: “Tôi không ngại mà, tôi chỉ cảm thấy tay nghề của chị dâu tốt. Chị dâu, cô có thể may váy không? Tôi đi tới hợp tác xã tỉnh thấy người ta mặc váy dài, váy ngắn, hí hí, đẹp thật sự luôn ấy.”
Trước đây váy liền áo được gọi là váy liền, lưu truyền từ bên anh lớn qua đây, sau này quan hệ chuyển biến xấu, từ chính trị đến kinh tế và dân sinh đều có sự thay đổi.
Áo khoác Lenin và váy liền lưu hành trước đây cũng đều đổi tên.
Lâm Tô Diệp: “Làm váy tốn vải lắm, ai có nhiều vải như vậy chứ, còn nữa nông thôn đất bụi quanh năm, cô mặc váy thổi vù vù chỉ một ngày đã đen thui rồi, không đẹp đâu.”
Nhưng Dương Thúy Hoa lại rất khát khao, không phải trước kia con gái nông thôn cũng mặc váy hay sao? Những người vợ phú ông và vợ địa chủ đó cũng mặc váy mặt ngựa đấy thôi.
Đương nhiên cô ta chỉ thì thầm một mình mà không dám nói, nói ra rồi chắc hẳn sẽ phạm sai lầm.
Cô ta nói với Lâm Tô Diệp còn có người xếp hàng may quần áo, đợi khi lấy được cái này sẽ lại đưa vải mới tới sau.
Lâm Tô Diệp kêu cô ta không cần vội, mình chăm chú may một cái áo thế nào cũng phải năm đến bảy ngày, dù sao bình thường cô còn phải làm việc nhà nữa, không thể từ sáng đến tối đều giẫm máy khâu, ngồi miết ở nơi đó cơ thể cô cũng không chịu nổi.