Chương 260 - Không thể nói, không thể nói 1
Lâm Ngọc Trúc đang buồn bực vì sao dạo gần đây Tiểu Cẩu Đản không đến chơi với cô thì nghe được tiếng gõ cửa.
Lâm Ngọc Trúc lấy giấy đỏ, bút lông và mực nước ra đặt lên bàn rồi mới đi mở cửa.
Tiểu Cẩu Đãn vẫn hít nước mũi, chớp mắt nói: “Chị Tiểu Lâm, em đến chơi với chị, không làm phiền chị chứ?”
Sao đột nhiên lại nói chuyện gò bó rồi?
Lâm Ngọc Trúc cười mỉm, vô cùng chào đón nói: “Không đâu, Cẩu Đản ngoan như vậy, sao làm phiền chị được, vào đi em, vừa lúc chị cần người giúp.”
Sau khi dẫn Cẩu Đản vào nhà, Lâm Ngọc Trúc khoác áo bông thật dày vào.
Sau đó cô rót một đĩa mực nước nhỏ.
Tiểu Cẩu Đản bịt mũi, nói: “Chị Lâm, thối quá!”
“Ừm, là như thế này, thối là được rồi. Thời cổ đại, mỗi lần người đọc sách buồn ngủ thì họ sẽ lấy mực nước luyện chữ, nghe nói mùi thối làm người ta trở nên tỉnh táo. Em có cảm thấy lập tức trở nên tỉnh táo hay không?” Lâm Ngọc Trúc nghiêm túc hỏi.
Tiểu Cẩu Đản gật đầu, cảm thấy học được rồi, chị Lâm cũng rất lợi hại, cái gì cũng biết.
Trải xong giấy đỏ ra, Lâm Ngọc Trúc hít sâu một hơi rồi cầm bút lông viết lên, chốc lát sau, một câu đối hiện ra.
Lâm Ngọc Trúc và Tiểu Cẩu Đản cùng đặt câu đối ở trên giường đất để hong khô. Tuy Tiểu Cẩu Đản không hiểu, nhưng điều đó không gây cản trở cậu bé khen cô.
“Chị Lâm, chị viết đẹp lắm, còn đẹp hơn chữ của người ghi điểm trong thôn.”
Lâm Ngọc Trúc ấn nhẹ vào cái mũi nhỏ của cậu bé, rất hưởng thụ, còn khen thưởng cho cậu bé bằng một viên kẹo sữa hiệu thỏ trắng.
Đến khi Cẩu Đản đi về, trong tay của cậu bé có thêm một bộ câu đối.
Thím Trần thấy con trai nhà mình lấy câu đối về thì nói: “Lại đi quấy rầy chị Lâm của con đúng không? Không phải mẹ bảo con đi ít một chút, đừng làm phiền người ta sao?”
Tiểu Cẩu Đản nói bằng giọng trẻ con: “Con không quấy rầy chị Lâm, chị ấy còn khen con ngoan mà.”
Thím Trần chọc khẽ vào trán con trai rồi cười bất đắc dĩ, sau đó bà mở câu đối ra, thấy chữ trên đó thì khen: “Ôi chao, con bé này viết chữ đẹp thật!”
Chú Trần nghe xong thì cũng lại nhìn, nói: “Đúng là không tồi, con gái ở thành phố lợi hại, nếu chúng ta có con gái thì cũng sẽ làm nó chăm chỉ học hành…”
Thím Trần liếc đối phương một cái, đều lớn đến chừng này tuổi rồi mà còn nghĩ đến con gái.
Sao bọn họ lại không có số tốt, sinh được cả trai lẫn gái như nhà người khác cơ chứ?
Thím Trần và chú Trần đồng loạt cảm thán.
Rất nhanh, thím Hứa liền biết Lâm Ngọc Trúc biết viết bút lông, bà ta lập tức cầm giấy đỏ đến để cô viết câu đối.
Lâm Ngọc Trúc cũng không làm ra vẻ, cô rót mực nước rồi bắt đầu viết một bộ câu đối.
Thím Hứa thấy chữ của cô đẹp hơn cháu trai của trưởng thôn nhiều, bà ta cười toe toét rồi khen Lâm Ngọc Trúc không hết lời.
Tuy da mặt của Lâm Ngọc Trúc khá dày cũng suýt chịu không nổi, cô đỏ mặt nói lời khiêm tốn.
Kỹ năng viết bút lông của cô chỉ có thể xem là bình thường, kém xa dân chuyên nghiệp.
Có miệng rộng của thím Hứa, phòng của Lâm Ngọc Trúc lập tức trở nên rộn ràng, không ít thím quen với cô cầm giấy đỏ đến để xin cô viết câu đối.
Dù sao Lâm Ngọc Trúc cũng đang nhàn rỗi, cho nên ai đến cô cũng viết giúp chứ không từ chối.
Điều làm cô khá bất ngờ là thím Lý Tứ cũng đến. Lâm Ngọc Trúc cười tủm tỉm nhìn bà ta, nói: “Thím Tứ, thím có mang theo giấy đỏ không? Không có giấy thì không được đâu đó.”