Vương Hồng Đậu và Diệp Văn Nhân nhìn Trần Đông Thanh với vẻ khó hiểu, ngay cả ánh mắt Lâm Tiếu nhìn Trần Đông Thanh cũng mang vẻ nghi ngờ: “Trần Đông Thanh, cậu làm sao thế?”
Trần Đông Thanh: "Tớ muốn các cậu hiểu rằng để vào được lớp Olympic Toán học này là cực kỳ cực kỳ cực kỳ khó."
"Ai da, các cậu không hiểu được đâu."
Lâm Tiếu dần nhận ra, dường như việc cô vào lớp Olympic Toán học là một chuyện rất lớn.
Tan học về nhà, Lữ Tú Anh kể cho Lâm Tiếu việc cô giáo Từ đã gọi điện thoại về nhà để hỏi thăm chuyện lớp Olympic Toán học.
Lâm Tiếu ngạc nhiên: "Cô giáo Từ gọi điện về nhà chúng ta sao ạ?"
Lâm Tiếu lập tức cảm thấy hoang mang: "Mẹ, mẹ có nói xấu con với cô giáo Từ không? Cô giáo Từ có nói xấu con với mẹ không?"
Lữ Tú Anh hỏi ngược lại: "Gần đây con làm chuyện xấu gì ở nhà à? Hay là làm chuyện xấu gì ở trường?"
Lâm Tiếu nói ngay: "Không có, con rất ngoan mà."
Lữ Tú Anh: "Nếu con ngoan thì tại sao phải sợ mẹ hoặc cô giáo Từ nói xấu con?"
Lâm Tiếu chớp chớp mắt, tuy gần đây cô không phạm lỗi gì lớn, nhưng vẫn có vài lỗi nhỏ.
Khi món bánh mì được dọn lên trong bữa cơm giữa giờ, không biết ai là người bắt đầu, các bạn học trong lớp bắt đầu chơi một trò chơi thi xem ai là người có thể bóp được miếng bánh mì nhỏ nhất.
Lâm Tiếu không nhịn được nên cũng tham gia trò chơi bóp bánh mì với các bạn.
Sau khi bóp bánh mì, có vài bạn học sẽ không ăn nhưng Lâm Tiếu vẫn ăn. Cô cảm thấy hương vị của bánh mì sau khi bị bóp nát khá ngon, từ mềm xốp trở nên giòn rụm, cô rất thích đồ ăn giòn như vậy.
Tuy Lâm Tiếu không lãng phí đồ ăn, nhưng các bạn khác thì có. Cô không những không nói cho thầy cô giáo mà còn tham gia trò chơi, đó cũng là một lỗi sai của cô.
Nhưng cô chỉ chơi trò bóp bánh mì vài lần, bây giờ không còn chơi nữa. Viên Kim Lai gian lận, cậu bé lén ăn nửa cái bánh mì rồi dùng phần còn lại để dự thi, làm như vậy, đương nhiên chiếc bánh mì của cậu bé là nhỏ nhất, nhỏ hơn một cỡ so với các bạn khác.
Rất nhanh đã có bạn vạch trần Viên Kim Lai, sau đó mọi người bắt đầu hăng hái làm theo. Trước khi bóp bánh mì, họ sẽ ăn một phần. Mọi người thi đấu càng nhiều, phần bị ăn càng to hơn, từ một nửa biến thành ba phần tư, tiếp đó là ăn gần hết chỉ chừa lại một chút, sau đó nữa là không chơi luôn, mọi người ăn sạch chiếc bánh mì.
Nhưng lúc ăn bánh mì, Lâm Tiếu vẫn sẽ bóp mấy cái, bánh mì được bóp sẽ có hương vị khác.
Tuy không phải là lỗi gì to tát, nhưng Lâm Tiếu biết mình đã phạm lỗi nhỏ.
Còn một lỗi nhỏ nữa, gần đây Lâm Tiếu và Trần Đông Thanh, Vương Hồng Đậu, Diệp Văn Nhân và vài bạn khác bắt đầu “làm bài tập trước”.
Mỗi ngày mọi người sẽ đoán xem giáo viên sẽ giao bài tập nào, không chỉ đoán, mà mọi người còn làm trước.
Đặc biệt là bài tập toán, họ sẽ làm bài tập trong sách bài tập trước vào giờ ra chơi. Cứ làm trước một trang, hai trang, ba trang, thì lúc giáo viên giao bài tập, họ sẽ ngạc nhiên vì mình đã làm bài tập xong.
Lúc đó cảm thấy thật là vui.
Bài tập trong sách bài tập rất dễ, cứ làm trực tiếp trong sách bài tập là được, dù sao giáo viên cũng không biết cô làm xong khi nào.
Cái khó là bài tập thực hành trong sách giáo khoa, giáo viên sẽ chọn vài câu rồi yêu cầu học sinh làm trong vở bài tập.
Vương Hồng Đậu và Diệp Văn Nhân không dám làm bài thực hành trước, vì vở bài tập không giống sách bài tập. Trong sách bài tập, dưới mỗi đề bài sẽ có khoảng trống để viết, viết nhiều hay ít hơn hai câu cũng không sao, làm trước mà sai cũng không sao, chỉ cần làm hết các câu giáo viên yêu cầu là được.
Nhưng nếu làm bài dư ở trong vở bài tập sẽ bị thiếu dòng để viết, rất khó làm.
Nhưng ngày nào Lâm Tiếu cũng làm trước các câu hỏi vào vở bài tập, lần nào cô cũng đoán trúng đề bài.
Không cần xóa bỏ các đề bài bị dư, khi nộp bài tập cho giáo viên, cô giáo Cao sẽ tiện tay chữa các bài làm dư cho cô.
Còn nếu thiếu, thì cứ thêm vào ở cuối cùng, hậu quả duy nhất là trật tự sẽ bị xáo trộn.
Ví dụ như hôm nay Lâm Tiếu đoán cô giáo Cao sẽ cho bài thực hành một, hai và năm, nhưng cuối cùng cô giáo Cao lại cho đề một, hai, bốn, năm. Nếu vậy thì cô phải làm đề bốn ở dưới đề năm.
Dù sao cô giáo Cao cũng chưa bao giờ phê bình vì cô không làm theo thứ tự.