Đêm tối lại tăng thêm một lớp màu sắc tự vệ cho cẩm y màu đen của phủ Đình Úy, Phương Bạch Kính là một con cá, khi màn đêm buông xuống, gã cũng từ đất liền trở về trong nước.
Thật ra cả phủ Đình Úy cũng không có nhiều người hiểu rõ Phương Bạch Kính, không chỉ là Phương Bạch Kính của hiện tại mà bao gồm cả Phương Bạch Kính của quá khứ. Cả phủ Đình Úy chỉ có đô đình úy Hàn Hoán Chi và vị phó đô đình úy thần long thấy đầu không thấy đuôi kia biết lai lịch của Phương Bạch Kính, nhưng hai người đều tuyệt đối không mở miệng nhắc tới.
Tất cả các đình úy đều biết sau khi Phương đại nhân đến liền trực tiếp làm thiên bạn, hơn nữa cấp bậc cũng cao hơn so với các thiên bạn khác. Mới đầu còn có người không phục, nhưng sau đó khi cảm nhận được sự đáng sợ của Phương Bạch Kính thì đều nuốt hết tất cả sự không phục này vào trong.
Thật ra không chỉ là phủ Đình Úy, cho dù là trong cả triều đình Đại Ninh cũng không có nhiều người biết lai lịch của Phương Bạch Kính.
Trong thành Trường An, chỉ có bốn người.
Người thứ nhất đương nhiên là đương kim bệ hạ, người thứ hai là đại tướng quân Đạm Đài Viên Thuật, người thứ ba là Hàn Hàn, người thứ tư là phó đô đình úy. Vị phó đô đình úy kia rất nhiều năm trước đã phạm tội, sau khi trở về tự phạt quỳ xuống hai ngày hai đêm ở phủ Đình Úy, sau đó thì không biết tung tích. Có người nói, ông ta vẫn luôn bế quan ở trong một gian mật thất của phủ Đình Úy, không hỏi thế sự nhưng thi thoảng Hàn đại nhân sẽ đi tìm ông ta tâm sự, bởi vì ông ta rất mạnh, Hàn đại nhân cũng cần ý kiến của ông ta.
Đã nhiều năm trôi qua, cho nên hiện tại cũng không có mấy người biết tên của phó đô đình úy.
Phương Bạch Kính cũng tương đương với phó đô đình úy của phủ Đình Úy, chỉ đứng dưới Hàn Hoán Chi.
Thật ra, gã có xuất thân quân ngũ.
Mười bảy tuổi tòng quân, năm đó đã hết sức nổi bật đội ngũ chiến binh cấm quân, mười chín tuổi đã thăng nhiệm giáo úy.
Năm đó, giữa Tây Vực Hoắc Thác quốc và Đại Ninh vẫn chưa có qua lại nhiều, nội bộ Hoắc Thác quốc cực kỳ không ổn định, lão hoàng đế gặp chuyện bỏ mình, đại tướng quân âm mưu soán vị, thái tử chạy khỏi đô thành dưới sự liều chết bảo vệ của thủ hạ, không dám ở lại quốc nội mà chạy một mạch đến Trường An tìm kiếm sự che chở. Hắn ta ở trong thành Trường An suốt hơn nửa năm, nhưng mà hoàng đế bệ hạ Đại Ninh căn bản là không muốn quan tâm đến mấy chuyện vụn vặt của nội bộ Hoắc Thác quốc. Hoắc Thác quốc không quá lớn, dù quan tâm cũng không có được bao nhiêu lợi ích, hoàng đế mới của Hoắc Thác quốc ngay lập tức liền xưng thần với Đại Ninh, cũng đưa lên không ít đồ tiến cống.
Nhưng nể tình thái tử Hoắc Thác quốc chịu chạy tới Đại Ninh xin giúp đỡ, hoàng đế Lý Thừa Đường phái sứ thần gửi một phong thư cho hoàng đế Hoắc Thác quốc. Sau khi hoàng đế Hoắc Thác quốc nhận được thư viết tay của hoàng đế Đại Ninh đã biểu thị chỉ cần thái tử trở lại thì tuyệt không làm khó hắn ta, phong thái tử làm vương, bảo vệ bình an suốt đời.
Thái tử sau khi nhận được lời cam đoan mới dám trở về, nhưng vẫn không yên tâm nên xin hoàng đế Đại Ninh sắp xếp người bảo vệ hắn ta. Hoàng đế lập tức sai đại tướng quân Đạm Đài Viên Thuật sắp xếp, Đạm Đài Viên Thuật phái giáo úy Phương Bạch Kính mang theo hai mươi tư chiến binh hộ tống thái tử về Hoắc Thác quốc.
Sau khi đến Hoắc Thác quốc bình an vô sự, chuẩn bị trở về thì ngay lúc này một thương đội đến từ Đại Ninh thỉnh cầu bảo vệ. Lúc ấy Hoắc Thác quốc chưa dẹp yên nội loạn, đại tướng quân tuy đã làm hoàng đế nhưng nội bộ Hoắc Thác quốc không ngừng phân tranh, không ít người phản đối ông ta đăng cơ xưng đế, chung quanh đều đang khai chiến. Trên lý luận thì người của Hoắc Thác quốc thường không dám làm chuyện gì quá phận với người Ninh, nhưng trong tiểu quốc kia đang rối tinh rối mù, khắp nơi đều là loạn phỉ, người mà ngay cả cơm cũng không có để ăn thì sẽ chẳng còn kính sợ gì nhiều nữa.
Vì thế Phương Bạch Kính cùng thủ hạ hộ tống thương đội trở về Đại Ninh, buổi tối cắm trại nghỉ ngơi ở trong trấn biên quan cách Đại Ninh không đến bốn mươi dặm, bởi vì sắp về đến Đại Ninh rồi nên trong lòng các thương nhân cũng thả lỏng hơn, đêm đó đã uống không ít rượu.
Điều trùng hợp là phong thổ của vị thái tử điện hạ kia lại ở ngay gần đây. Phương Bạch Kính hộ tống thương đội đến chỗ này, thái tử cũng từ đô thành rời đến phong thổ, nghe nói Phương Bạch Kính ở đây liền vội vàng phái người mời Phương Bạch Kính đến làm khách.
Đêm đó Phương Bạch Kính một thân một mình từ phủ thái tử trở về doanh địa, phát hiện doanh địa đã bị đốt cháy rụi. Gã xông vào, bởi vì cũng đã uống chút rượu nên lực phản ứng hơi kém một chút, bị mũi tên bắn lén trong bóng tối bắn trúng, người đánh lén gã tưởng là gã đã chết nên cũng không nhìn nhiều, mang theo hàng hóa trốn đi. Hai mươi tư chiến binh thủ hạ của gã và thương nhân đều bị người khác hạ độc trong thức ăn, từng người một bị cắt cổ trong lúc bất tỉnh nhân sự, sau đó còn treo thi thể trên cọc gỗ.
Phương Bạch Kính bị thương rất nặng, sau khi được người của thái tử cứu về dưỡng thương ba tháng mới miễn cưỡng khôi phục lại, tướng lĩnh biên quân Đại Ninh phái người tới đón gã về nhưng gã lại lắc đầu không đi.
Trong đêm vết thương đã khỏi hẳn, Phương Bạch Kính đeo kiếm của gã rời khỏi phủ thái tử.
Đêm đó, cả một thôn Hoắc Thác quốc ở bên ngoài doanh địa bị tập kích hôm đó đều bị giết sạch sẽ, phàm là nam nhân trẻ khỏe đều không để lại dù chỉ một người. Thi thể của hơn một trăm hai mươi nhân khẩu trong thôn nhỏ kia đều bị gã treo trên cọc gỗ trước cửa thôn.
Hai đêm sau, một cái thôn khác cách nơi này không đến ba mươi dặm, lại bị san thành bình địa trong vòng một đêm, tất cả mọi người gần như đều chết trong lúc ngủ. Sát thần lẻn vào thôn bắt đầu giết chóc từ giờ Tý, sáng ngày hôm sau, một loạt cọc gỗ dựng lên ở bên ngoài thôn, trên mỗi một cái cọc gỗ đều treo thi thể.
Giống như lần trước, để lại bốn chữ.
Giao hung thủ ra.
Hoắc Thác quốc vốn cũng không quá lớn, tin tức này rất nhanh đã truyền đến đô thành, hoàng đế Hoắc Thác quốc hạ lệnh tìm Phương Bạch Kính, điều khiển một đám thân vệ qua.
Nửa tháng sau, những tên thân vệ này bị người ta treo ở bên đường lớn, người treo trên một loạt cọc gỗ chỉnh tề nhìn hết sức thảm liệt.
Lại ba ngày nữa, huyện nha cách nơi này ba mươi mấy dặm bị người ta tàn sát.
Lại hai ngày nữa, toàn bộ nam nhân trong một thôn đều bị diệt.
Mỗi một chỗ nơi giết người đều để lại bốn chữ "giao hung thủ ra" kia.
Vị thái tử Hoắc Thác quốc kia sau khi biết được tin tức tại ngồi một mình trong thư phòng rất lâu, sau đó lầm bầm nói bốn chữ: "Hán tử chân chính."
Khi đó tướng quân biên quân Đại Ninh phái người tới đón Phương Bạch Kính, Phương Bạch Kính trả lời: "Huynh đệ của ta đều đã chết, nếu ta cũng chết thì không nói, nhưng ta không chết, ta phải báo mối thù này, mặc kệ giết bao nhiêu người thì ta cũng sẽ lôi hung thủ ra ngoài."
Hoắc Thác quốc nội loạn nghiêm trọng như thế, trời mới biết là đám giặc cỏ hay là loạn phỉ ở đâu đã giết người, nhưng Phương Bạch Kính kết luận kẻ giết người không phải giặc cỏ cũng không phải loạn phỉ, chỉ có bách tính phổ thông mới có thể khiến cho chiến binh của Đại Ninh buông lỏng cảnh giác, cho nên gã mới tàn sát từng thôn chung quanh. Ở trong nhà của những người trong các thôn bị tàn sát, gã đã tìm được không ít hàng hóa của thương đội lúc đó.
Hai tháng.
Giết một ngàn năm trăm người.
Không ai có thể cảm nhận được sự tàn nhẫn này, cũng không ai có thể cảm nhận được sự quyết tuyệt này.
Các huynh đệ đều đã chết, ta còn sống, ta không thể để bọn họ chết vô ích.
Hai mươi lăm người ra ngoài, hai mươi bốn người đã chết, ta phải cho bọn họ một lời giải thích.
Tháng thứ ba, vị hoàng đế Hoắc Thác quốc kia đích thân dẫn đội ngũ tới. Sau khi điều tra tỉ mỉ phát hiện quả nhiên là thôn dân của mấy thôn phụ cận kia có nhiều người tham dự, mà lúc đó những thôn dân này đang đào kênh lấy nước cho quan phủ địa phương Hoắc Thác quốc, đều là dân công do quan phủ chiêu mộ tới.
Hoàng đế Hoắc Thác quốc hạ chỉ bắt tri phủ địa phương lại, xác định là tri phủ nhất thời nổi lòng tham, sai thủ hạ giật giây dân công chém giết cướp đoạt thương đội người Ninh. Kết quả là có quá nhiều người tham dự, ai cũng không rõ rốt cuộc là người nào đã tàn ác treo thi thể của người Ninh trên cọc gỗ.
Hoàng đế Hoắc Thác quốc kinh sợ, vốn vu oan cho một đối thủ khởi binh phản kháng ông ta, đối thủ kia đã bị ông ta tiêu diệt, coi như là cho Đại Ninh một lời giải thích, hiện tại lại điều tra ra việc này, còn giải thích thế nào nữa?
Ông ta cũng sợ đến tận xương tủy, ai biết khi nào tên sát thần kia sẽ thu tay lại?
Vì thế ông ta hạ lệnh, treo cổ tất cả những người trong quan phủ tham dự chuyện hôm đó trên cọc gỗ ven đường.
Nhưng ông ta tìm không thấy Phương Bạch Kính.
Đành phải cầu biên quân Đại Ninh trợ giúp.
Cuối cùng vẫn là biên quân Đại Ninh phái thám báo đi tìm được Phương Bạch Kính, sau đó mời hắn về nhà. Phương Bạch Kính lắc đầu nói gã đã xem rồi, người giết đồng bạn của gã hôm đó dùng binh khí chế thức, không phải cung tiễn đơn sơ mà nạn dân và loạn phỉ dùng.
Gã nói không về.
Lại bảy ngày nữa.
Thống lĩnh hộ vệ trong phủ thái tử bị Phương Bạch Kính chém đầu ở ngoài cửa phủ thái tử, và cả mười sáu tên hộ vệ phủ thái tử.
Hóa ra đêm đó thái tử mời Phương Bạch Kính uống rượu, hộ vệ trong phủ thái tử nghe Phương Bạch Kính nhắc tới mọi người trong thương đội cũng đang uống rượu, vì thế nổi ý đồ xấu. Vốn dĩ bọn chúng định đi trộm vài thứ thôi nhưng ai ngờ cho dù là đã uống rượu thì chiến binh Đại Ninh vẫn có cảnh giác, chỉ là trúng thuốc mê nên không còn thể lực, còn có một chiến binh đã nhìn thấy thống lĩnh hộ vệ, y sợ hãi nên giết hết tất cả chiến binh. Lúc chạy về thì vừa hay nhìn thấy Phương Bạch Kính trở lại, y ở trong đám người lén bắn một mũi tên, nào dám xem Phương Bạch Kính chết sống ra sao liền vội vàng dẫn người bỏ chạy.
Sau khi thái tử biết được đã quỳ sụp ở cửa phủ không dậy nổi.
Phương Bạch Kính cắt đầu tất cả đám hộ vệ mang đi, một mình đẩy một chiếc xe một bánh, trên xe toàn là đầu người, đi thẳng đến nấm mồ an táng những huynh đệ chiến binh Đại Ninh kia, bày từng cái đầu người một ở đó, sau đó dập đầu lạy ba cái thật mạnh.
Sau khi trở lại thành Trường An, gã tự biết mình đã cãi lại quân lệnh, còn bởi vì uống rượu mà làm hỏng việc mới khiến thủ hạ bị giết, gã tội không thể tha thứ cho nên đến đại doanh cấm quân tìm Đạm Đài Viên Thuật, mời đại tướng quân xử lý.
Đạm Đài Viên Thuật sớm đã biết chuyện của gã ở Tây Vực, thở dài một tiếng.
Hoàng đế Lý Thừa Đường triệu Phương Bạch Kính vào cung, hỏi Phương Bạch Kính: "Tổng cộng hơn ba tháng, khanh đã giết bao nhiêu người Hoắc Thác?"
"Thần không nhớ."
Đạm Đài Viên Thuật nói: "Người bên Hoắc Thác quốc nói, là hơn một ngàn bảy trăm người."
Hoàng đế hỏi: "Giết nhiều người như vậy để báo thù cho các huynh đệ của khanh, bây giờ trở về, trong lòng còn có nút thắt gì không tháo gỡ được?"
Phương Bạch Kính cúi đầu: "Đây là nút thắt chết, cả đời thần cũng không tháo gỡ được, cho nên xin bệ hạ ban cho thần được chết, thần muốn xuống dưới tìm các huynh đệ đoàn tụ."
"Những huynh đệ đó là người khanh muốn bảo vệ, bởi vì các khanh đều là người Ninh. Đại Ninh có rất nhiều rất nhiều người, khanh không chết, còn có thể đi bảo vệ thêm nhiều người Ninh nữa. Khanh đừng về cấm quân nữa, trở về thấy cảnh thương tình, khanh hãy đến phủ Đình Úy đi. Phủ Đình Úy không chỉ là bảo vệ người Ninh, cũng bảo vệ quy củ của Đại Ninh, trật tự của Đại Ninh, nói xa một chút, cũng là bảo vệ tương lai của Đại Ninh."
Phương Bạch Kính trầm mặc rất lâu, dập đầu: "Thần nguyện đi phủ Đình Úy."
Thoáng một cái đã nhiều năm trôi qua.
Bạch Sơn nơi biên cương đông bắc này ban đêm lạnh giá, Phương Bạch Kính cúi đầu nhìn kiếm của mình, bốn cỗ thi thể nằm dưới kiếm, đó là bốn kiếm khách áo trắng, đệ tử đời hai đến từ Hắc Vũ Kiếm Môn.
Ở một bên khác, hơn mười chỗ ám tiêu của người Hắc Vũ sắp đặt đều bị gã giết chết.
Các huynh đệ của gã chết trên Bạch Sơn này, gã cũng sẽ biến nơi đây thành nấm mồ của người Hắc Vũ.
Phương Bạch Kính lau vết máu trên trường kiếm, chậm rãi lùi về phía sau, người khuất trong đêm tối.
Đêm tối như biển.
Gã là con cá mập hung dữ nhất.