Nhà ga thời bấy giờ không phân chia lối đi khác nhau cho khách lên tàu và xuống tàu như thời hiện đại, lúc này hầu hết lối đi là lối đi chung.
Chủ nhiệm Kim nhíu mày: "Ông muốn tôi xây cho ông một cửa hàng ngay vị trí này?"
"Không cần, ông chỉ cần giao mặt bằng cho tôi, cửa hàng thì chúng tôi sẽ tự lo."
"Giáo sư Tô, Phó sư trưởng Lục, chỗ chúng tôi không thể xây lung tung được. Nếu muốn sửa đổi khu vực này thì phải được lãnh đạo phía trên phê chuẩn mới được."
Tô Đình Khiêm khoát tay: "Ông yên tâm, chúng tôi sẽ không làm lung tung. Ông chỉ cần giao khu vực này cho tôi, sau đó tôi sẽ xây một cửa hàng bán lẻ di động, ông có biết cửa hàng bán lẻ di động không? Sẽ không khác nhiều với bưu điện hay sạp bán báo hiện tại đâu..."
Sau khi việc thi đại học được khôi phục, những lời truyền miệng tuôn ra, rất nhiều báo chí tạp chí nhao nhao phát hành trở lại. Nếu mọi người đến tận bưu điện mua những thứ này thì có chút phiền phức, vậy nên để thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng tăng của nhân dân, bưu điện ở mấy thành phố lớn bắt đầu chọn những tuyến đường đông đúc, sau đó cho ra hàng loạt những sạp bán báo ở bên đường để thử nghiệm, Quảng Châu chính là một trong số đó.
Chủ nhiệm Kim suy nghĩ về sạp báo hai tháng trước bắt đầu xuất hiện bên đường, cảm thấy có thể thực hiện được. Nhưng ông ấy cũng không dám đồng ý ngay lập tức, chỉ nói phải xin ý kiến lãnh đạo mới được.
Sau khi hai người rời khỏi, chủ nhiệm Kim liền gọi điện thoại cho cấp trên. Biết được đối phương có giấy phép đóng mộc đỏ của nhà nước, lãnh đạo liền giao việc này cho chủ nhiệm Kim toàn quyền phụ trách, chỉ cần không ảnh hưởng đến việc kinh doanh bình thường của nhà ga là được.
Ngày hôm sau, chủ nhiệm Kim gọi lại cho Tô Đình Khiêm, nói lãnh đạo đã phê chuẩn. Thế nhưng bọn họ nhất định phải chú ý cho kỹ, không thể ảnh hưởng hành khách ra vào.
Tô Đình Khiêm đồng ý chắc nịch. Sau khi tan việc, ông ấy lại nhờ Lục Trường Chinh lái xe chở mình đến trạm xe lửa, hai cha con chọn một vị trí rộng rãi, sau đó đo kích thước.
Mọi việc đã được quyết định, mọi người liền bắt đầu phân công.
Tô Dịch Viễn lo việc liên hệ tìm người, lanh tay lẹ chân tìm nơi nhận sản xuất đồ đạc cho cửa hàng.
Tô Mạt và Lục Trường Chinh thì nhận nhiệm vụ giải quyết nguyên vật liệu. Cửa hàng này bán đồ ăn thức uống, nhất định không được thiếu những món ăn như hủ tiếu thịt các thứ.
Trước đây chỉ cần đặt mua những thứ này từ thị trường tự do. Nhưng đồ ở thị trường tự do khá đắt, vậy nên ngoại trừ thịt, không cần phí tiền cho những thức mà dị năng của Tô Mạt có thể thúc đẩy sinh trưởng được.
Huống hồ, những thứ do Tô Mạt trồng được lại có hương vị ngon hơn cả đồ trồng ở quê. Dù sao thì đồ ăn ngon cũng là mấu chốt để thu hút khách.
Hai vợ chồng lấy giấy phép, tận dụng quan hệ để đến công ty lương thực và chợ nông sản mua trước 500 cân được phê chuẩn. Tất nhiên, đây chẳng qua chỉ là ngụy trang, bọn họ chỉ mua một phần để tiện trộn lẫn những thứ Tô Mạt trồng được vào trong đó.
Vợ chồng Tô Đình Khiêm, một người tranh thủ tìm hiểu những chuyên gia làm quà vặt ở các nơi, một người thì bắt đầu luyện tài bếp núc.
Đến cuối tháng ba, cả hai bên đều được tu sửa hoàn chỉnh, tổng thể hiệu quả coi như thoả mãn. Tính hết tiền vật liệu, nhân công và tiền làm đồ đạc, họ tốn tổng cộng 900 đồng tiền.
Diện tích nhà lớn hơn, tổng diện tích cả hai là bốn trăm mét vuông, tính toán ra thì mỗi mét vuông tốn đến hai đồng.
Sau khi trùng tu, đội trưởng đội xây dựng còn cố ý gọi người tới chụp ảnh. Sau này khi nhận việc, cứ đem cái này ra, vậy là đẳng cấp của đội xây dựng bọn họ đã khác hẳn rồi.
Việc sửa nhà của Tô Mạt có thể chỉ là bình thường ở tương lai. Nhưng ở thời kỳ này thì như vậy đã là vô cùng hoành tráng.
Đầu tháng tư, những chiếc tủ đông được đặt hàng từ Hồng Kông cũng đến nơi. Họ mua hai chiếc, mỗi chiếc tốn một ngàn, hai chiếc là hơn hai ngàn đồng.
Tìm người dựng các gian hàng, lợp tôn cửa hàng bán lẻ cũng đã xong, tốn hơn hai trăm đồng tiền. Số tiền đó đủ để xây hẳn một căn nhà ở nông thôn.
Đâu đó chuẩn bị sẵn sàng, mọi người liền nhanh chóng chuẩn bị khai trương.
Ngày 10 tháng 5 năm 1977, chủ nhật, cửa hàng bán lẻ đầu tiên của nhà họ Tô chính thức khai trương!
Ngày khai trương được chọn rất kỹ lưỡng.
Ngày 15 khi Hội chợ mùa xuân khai mạc, thời gian này rất nhiều người đến Quảng Châu, đúng là thời điểm ga tàu nhộn nhịp nhất.
Hội chợ mùa xuân không chỉ có các doanh nghiệp và thương nhân nước ngoài tham gia, mà còn có nhiều đại diện nhà máy trong nước đến tham quan học hỏi. Những người này đi tàu lâu như vậy, dù trên tàu có cơm ăn nhưng mùi vị không ngon, ăn nhiều cũng ngán.
Xuống tàu gặp đồ ăn ngon, giá rẻ lại không cần phiếu, chắc chắn ai cũng sẽ mua thử.
Thứ hai và chủ nhật, Tô Đình Khiêm, Tô Mạt, Tô Dịch Viễn đều không phải lên lớp, đúng lúc có thể giúp đỡ.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại monkeydtruyen.com - https://monkeydtruyen.com/xuyen-thanh-vai-phu-phao-hoi-dua-vao-di-nang-buoc-len-dinh-cao-nhan-sinh/chuong-366.html.]
Dù sao mới bắt đầu, bề ngoài chắc chắn không tiện thuê người ngay, phải có quá trình từ từ.
Sáng sớm ngày mùng 10, Tô Mạt và Mạc Ngọc Dung đến cửa hàng, nhóm hai bếp than lên.
Cửa hàng không lớn, phía trước đặt hai bếp than và một giá sắt dài hơn một mét, giữa là lối đi cho người qua lại, bên trái là cửa, bên phải đặt một bếp ga, trang bị một chảo rán đường kính 60cm, dùng để làm bánh nướng hoặc bánh rán.
Phía sau là các kệ để đồ.
Sau khi nhóm bếp than lên, Tô Mạt đi lấy nước rồi hai mẹ con lau chùi cửa hàng trong ngoài một lượt. Sau đó thay áo bông trắng giống áo bếp trưởng, đội mũ đầu bếp trắng và đeo khẩu trang bằng vải trắng.
Chẳng mấy chốc, Lục Trường Chinh, Tô Đình Khiêm, Tô Dịch Viễn mang từng rổ bánh bao và các đồ khác đến.
Những thứ này đều là cả gia đình thức đêm chuẩn bị.
Sau khi nhà được trang trí xong, vợ chồng Tô Đình Khiêm chuyển đến ở phố Cao Đệ, nhà còn lại dùng làm xưởng chế biến thức ăn.
Cửa hàng ở ga tàu chỉ là khởi đầu, sau này chắc chắn sẽ mở thêm nhiều cửa hàng như vậy.
Nếu mỗi cửa hàng tự làm bánh, phải thuê nhiều người, hiệu suất không cao, mùi vị không đồng đều, không bằng làm sẵn tại xưởng, mỗi ngày trước khi mở cửa, thống nhất từ xưởng giao hàng đến, cửa hàng chỉ cần thuê một hai người bán hàng là được.
Mô hình này đời sau rất phổ biến, nhưng ở thời này là ý tưởng tiên tiến, mà lại do Tô Đình Khiêm đề xuất. Quả nhiên là nhà có truyền thống kinh doanh, người nhà họ Tô bẩm sinh đã biết làm ăn.
Sau khi đồ được mang đến, Mạc Ngọc Dung lập tức hấp bánh bao trên bếp than, mọi người bắt đầu bày đồ, Tô Mạt bắt đầu làm nóng chảo rán.
Chẳng mấy chốc, cửa hàng trống rỗng đã đầy đồ. Hai chồng lồng hấp bánh bao, bên cạnh giá sắt là nồi đất đựng đầy trứng luộc trà, ấm sắt đựng sữa đậu nành nóng, một rổ bánh nướng còn nóng, bên cạnh còn một rổ khác để lát nữa đựng bánh nướng mặn.
Bảng giá cũng được Tô Đình Khiêm viết xong sau đó đặt phía trước cửa hàng.
Bánh bao ngọt: 8 xu/cái.
Bánh bao đường đỏ: 1 hào/cái.
Bánh bao rau thịt: 1 hào/cái.
Bánh bao thịt: 1 hào 5 xu/cái.
Trứng luộc trà: 1 hào 5 xu/quả.
Bánh rán nhân thịt: 1 hào 5 xu/cái.
Bánh nướng mặn: 5 xu/miếng.
Sữa đậu nành ngọt: 5 xu/bát.
Hôm nay là ngày khai trương đầu tiên, để thử nghiệm trước nên họ chuẩn bị không nhiều loại.
Lúc này, hành khách mới đến ga đã bắt đầu lần lượt đi ra, thấy cửa hàng nhà họ Tô đều tò mò nhưng chỉ nhìn chứ chưa có ai mua.
Lúc này, một người đàn ông sắc mặt xanh xao bước tới. Anh ta đến từ một tỉnh Tây Bắc, lần đầu đến Quảng Châu, phải đi tàu năm sáu ngày nên bị say tàu, hơn nữa ăn không ngon ngủ không yên, bây giờ rất khó chịu, chỉ muốn uống gì đó nóng.
Tô Mạt lúc này đã làm xong một cái bánh nướng mặn, đang phết nước sốt, nước sốt đỏ cam sáng bóng, phết lên bánh vàng ươm, làm cho người ta thèm nhỏ dãi.
Người đàn ông nuốt nước bọt hỏi: "Các cô ở đây bán đồ ăn à?"
"Đúng vậy, anh muốn ăn gì?" Tô Mạt cười hỏi.
Người đàn ông nhìn bảng giá nói: "Cho tôi một bát sữa đậu nành nóng."
Tô Dịch Viễn ở bên cạnh liền rót cho anh ta một bát.